Nguyễn Thức Tự

Nguyễn Thức Tự (1841-1923), biệt hiệu Đông Khê; được gọi là : Cụ Sơnquan nhà Nguyễn, là Tán tương quân vụ trong Khởi nghĩa Hương Khê, và là nhà giáo Việt Nam.

Nguyễn Thức Tự
Tướng Quân quan nhà Nguyễn
Thường gọiCụ Sơn
Tên hiệuĐông Khê
Thông tin cá nhân
Sinh
Ngày sinh
1841
Nơi sinh
Nghệ An, Đại Nam
Mất
Ngày mất
30 tháng 12, 1923(1923-12-30) (81–82 tuổi)
Nơi mất
Nghệ Tĩnh, Liên bang Đông Dương
Giới tínhnam
Gia quyến
Thân phụ
Nguyễn Huy Phước
Thân mẫu
Hồ Thị Duyệt
Vợ
.
Hậu duệ
2
Học vấnCử Nhân, nhà giáo
Chức quanTri Phủ,Tri huyện
Tước hiệuTướng Quân quan nhà Nguyễn
[sửa trên Wikidata]x • t • s

Tiểu sử

Nguyễn Thức Tự là người làng Đông Chữ; nay thuộc xã Nghi Trường, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An.

Tổ tiên dòng họ ông có nguồn gốc từ Thanh Hóa đến lập nghiệp tại Nghệ An vào thế kỷ 17. Đây là dòng họ có nhiều vị khoa bảng và nhân đức[1].

Ông Tự sinh ra trong một gia đình gia giáo. Cha của ông là Nguyễn Huy Phước, một thầy thuốc giỏi, nhưng mất sớm (khi ông Tự mới 2 tuổi). Mẹ của ông là bà Hồ Thị Duyệt, là cháu gái Hoàng giáp Quận công Hồ Phi Tích, Hồ Phi Tích là cháu của Hồ Hưng Dật Thái Thú Diễn Châu.

Ngay từ thuở nhỏ, ông Tự đã nổi tiếng là người học giỏi, biết trọng đạo lý, có lòng yêu nước và thương người [1].

Năm Mậu Thìn (1868), ông đỗ Cử nhân, được bổ làm quan dưới triều Tự Đức, và lần lượt trải các chức vụ: Hậu bổ ở Hà Tĩnh, Tri huyện Thạch Hà, Tri huyện Hương Khê, Tri phủ Đức Thọ.

Năm 1880, ông được cử làm Sơn phòng Chánh sứ Hà Tĩnh (nên người ta thường ông là cụ Sơn).

Năm 1884, mẹ mất, ông xin về chịu tang rồi ở luôn tại nhà, không đi làm quan nữa. Triều đình cho mời nhiều lần, nhưng ông luôn từ chối, xin được ở nhà dạy học [2].

Hưởng ứng dụ Cần Vương của vua Hàm Nghi, khoảng năm 1886, ông tham gia Khởi nghĩa Hương Khê, được cử giữ chức Tán tương quân vụ ở chiến khu Vụ Quang. Ở nơi ấy, ông cùng Cao Thắng, Ngô Quảng, Phan Đình Nghinh...lập được nhiều chiến công khiến quân Pháp phải vất vả lắm, và mất một khoảng thời gian dài mới bình định được đất Hà Tĩnh, Nghệ An.

Năm 1895, thủ lĩnh Phan Đình Phùng bị thương nặng rồi mất trong chiến khu [3], ông cùng một số chiến hữu rút vào rừng sâu. Bị quân Pháp khủng bố quá, lực lượng dần tan rã, nên một thời gian sau, ông lui về quê mở trường dạy học (trường Đông Khê) [4]

Vào những ngày tháng cuối đời, thầy Nguyễn Thức Tự vẫn luôn dõi theo tin tức của những người học trò, những người con đang làm nhiệm vụ cứu nước; đồng thời vẫn tiếp tục giáo dục tinh thần yêu nước cho nhân dân. Thầy thường tổ chức các buổi bình văn thơ tại nhà thờ với chuyên đề "xả thân thủ nghĩa"...thu hút đông đảo người nghe [5].

Ngày 25 tháng 4 năm Quý Hợi (10 tháng 6 năm 1923), thầy Nguyễn Thức Tự mất tại quê nhà, để lại niềm tiếc thương trong lòng của nhiều người[2].

Tác phẩm

Tác phẩm của ông có:

  • Đông Khê hiện luật phú: gồm trên tập bài phú hay của học trò do ông tập họp trong hơn 30 năm dạy học.
  • Đông Khê lịch sử, sự trạng
  • Đông Khê thư tập
  • Đông Khê thi tập: gồm trên 100 bài thơ do ông sáng tác [2].

Ghi nhận công lao

Nằm trong bộ tham mưu của Khởi nghĩa Hương Khê, tuy không trực tiếp cầm gươm giết quân xâm lược, nhưng Tán tương quân vụ Nguyễn Thức Tự đã bày mưu, tính kế giúp chủ tướng Phan Đình Phùng xây dựng đồn lũy ở vùng rừng núi, dựa vào dân địa phương để tập hợp lực lượng, tổ chức kháng chiến lâu dài [1].

Bên cạnh công lao ấy, ông còn là nhà giáo đạo cao đức trọng, có nhiều đóng góp trong lĩnh vực giáo dục. Theo tài liệu, thì trong suốt quá trình dạy học, thầy Nguyễn Thức Tự đã đào tạo được trên 400 học trò thành đạt, nhiều vị khoa bảng có tài năng và nhân cách, như: Đinh Văn Chấp (đỗ Hoàng giáp), Nguyễn Đức Lý (đỗ Hoàng giáp), Hoàng Kiêm (đỗ Tiến sĩ), Nguyễn Mai, Lê Bá Hoan, Vương Đình Trân (đỗ Phó bảng), Nguyễn Thúc Đình, Nguyễn Thúc Hiên, Nguyễn Viết Tuyên, Nguyễn Sinh Sắc (đỗ Phó bảng), Đặng Nguyên Cẩn (đỗ Phó bảng), Phan Bội Châu (Giải nguyên thi Hương), Đặng Thái Thân (đỗ đầu xứ), Hoàng Trọng Mậu, Phan Văn Ngôn, Vương Thúc Quý (đỗ Cử nhân), Đặng Thúc Hứa, Đặng Tử Kính, Trần Đông Phong, Đặng Văn Bá, Lê Văn Huân (đỗ Cử nhân), Ngô Đức Kế (đỗ Tiến sĩ), v.v...[2]

Ngoài ra, nhờ sự dạy dỗ của ông, mà các con của ông là Nguyễn Thức Canh, Nguyễn Thức Đường, Nguyễn Thức Bao, về sau đều trở thành những chiến sĩ cách mạng Việt Nam. Thầy Nguyễn Thức Tự quả là một "người thầy giáo khó tìm trong đời" [6].

Ghi nhận những công lao ấy, hiện ở xã Nghi Trường có nhà thờ Nguyễn Thức Tự [7], và ở thị trấn Quán Hành (Nghi Lộc, Nghệ An) có trường THPT Nguyễn Thức Tự.

Xem thêm

Nguồn tham khảo

  • Nguyễn Q. Thắng- Nguyễn Bá Thế, mục từ "Nguyễn Thức Tự" in trong Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam. Nhà xuất bản Khoa học xã hội, 1992.
  • Vũ Ngọc Khánh, bài "Thầy Nguyễn Thức Tự" in trong Gương mặt văn hóa Việt Nam qua nhiều thế kỷ. Nhà xuất bản Văn hóa - Thông tin, 2012.
  • Bài "Nhà thờ Nguyễn Thức Tự" đăng trên websie Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh ngày 09/12/2011 [1] Lưu trữ 2014-03-06 tại Wayback Machine

Chú thích

  1. ^ a b c Nguồn: "Nhà thờ Nguyễn Thức Tự" đăng trên websie Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh.
  2. ^ a b c d Nguồn: GS. Vũ Ngọc Khánh, tr. 282-288.
  3. ^ Sách Lịch sử Nghệ Tĩnh cho biết: Trước đây, thực dân Pháp tung tin Phan Đình Phùng mất vì bệnh kiết lỵ, nhưng căn cứ theo bức công điện của Khâm sứ Trung Kỳ gửi Toàn quyền Đông Dương, thì ông đã hy sinh vì bị thương nặng (dẫn theo Đinh Xuân Lâm - Nguyễn văn Khánh - Nguyễn Đình Lễ, Đại cương lịch sử Việt Nam [tập 2, Nhà xuất bản Giáo dục, 2006, tr. 84]. Sách Hỏi đáp lịch sử Việt Nam [tập 4] do nhóm Nhân văn Trẻ biên soạn cũng ghi tương tự [Nhà xuất bản Trẻ, 2007, tr. 295]).
  4. ^ Nguồn: Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam (tr. 656). Theo GS. Vũ Ngọc Khánh thì có đôi lần, ông đi dạy ở một số huyện khác (tr. 283).
  5. ^ Nguồn: "Nhà thờ Nguyễn Thức Tự" đăng trên websie Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh. Cũng theo bài viết này thì lúc bấy giờ ở huyện Nghi Lộc là nơi có đông người gia nhập Hội Duy Tân và xuất dương theo phong trào Đông Du. Cả thầy trò, cha con Nguyễn Thức Tự đều hăng hái tham gia vào phong trào yêu nước ấy.
  6. ^ Ý kiến của GS. Vũ Ngọc Khánh, tr. 282.
  7. ^ Nhà thờ Nguyễn Thức Tự đã được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch) công nhận là di tích Lịch sử Văn hóa cấp Quốc gia theo quyết định số 776/QĐ/BT ngày 23 tháng 6 năm 1992.