Vương Thúc Quý

Vương Thúc Quý (1862 – 1907), thường gọi là Cử Vương[1], là sĩ phu chống Pháp, từng tham gia phong trào Đông DuĐông Kinh nghĩa thục.

Thân thế

Vương Thúc Quý quê ở làng Kim Liên, nay thuộc xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Ông là con trai của tú tài Vương Thúc Mậu, một sĩ phu từng tham gia phong trào Cần vương.

Từ nhỏ, ông đã nổi tiếng học giỏi, có tài hoa, được xếp vào nhóm "Nam Đàn tứ hổ" gồm Vương Thúc Quý, Nguyễn Sinh Sắc (hoặc Nguyễn Đình Song), Trần Văn Lương, Phan Văn San.[2][3][4] Người dân có câu:[5]

Uyên bác bất như San,
Tài hoa bất như Quý,
Cường ký bất như Lương,
Thông minh bất như Sắc
Không ai hiểu biết rộng như Phan Văn San
Không ai thông minh như Nguyễn Sinh Sắc
Không ai tài hoa như Vương Thúc Quý
Không ai nhớ giỏi như Trần Văn Lương

Năm 1891, ông đỗ Cử nhân dưới triều vua Thành Thái. Sau khi thi đỗ, ông không thi Hội mà nghe theo lời vận động của Phan Văn San (từ năm 1907 đổi tên là Phan Bội Châu), gia nhập đội "Sĩ tử Cần vương" chống Pháp.

Năm 1901, Phan Văn San, Vương Thúc Quý, Trần Hải , Trần Văn Lương tập hợp khoảng 20 người, mật mưu chiếm thành Nghệ An. Nhưng do bị mật báo, kế hoạch bại lộ. Nhờ Tổng đốc Đào Tấn che chở mà cả ba người thoát tội( Vương Thúc Quý, Trần Hải , Trần Văn Lương) Riêng Phan Văn San tức Phan Bội Châu bị xử án nên phải vượt biển đi Nhật Bản thành lập phong trào Đông Du sau này.[2] Về quê, ông mở trường dạy học. Trong số các học trò của ông có hai anh em Nguyễn Sinh Khiêm và Nguyên Sinh Cung là hai con trai của đồng hương Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc,học trò Nguyễn Sinh Cung người sau này là Chủ tịch nước Việt Nam Hồ Chí Minh.[1][6][7]

Năm 1904, Phan Văn San thành lập Hội Duy Tân, Vương Thúc Quý tham gia phát triển lực lượng của hội ở quê nhà, vận động tài chính và tổ chức cho con em trong tỉnh sang Nhật du học.[2]

Năm 1907, ông hưởng ứng phong trào Đông Kinh nghĩa thục, xây dựng phân hiệu Nghĩa thục ở làng Sen và gom góp Tân thư để làm thư viện.[2]

Năm 1907, trên đường chuẩn bị sang Nhật, ông bị ốm nặng phải về quê chữa trị.[2]

Ngày 19 tháng 7 năm 1907, Vương Thúc Quý qua đời, để lại nỗi hận chưa thể báo thù cha.[2]

Gia đình

Ông có con trai là Vương Thúc Oánh, cưới con gái Phan Bội Châu. Ông Oánh là một trong những thành viên sáng lập Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên và là Đảng viên lão thành của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Tưởng niệm

Tên của ông được đặt cho một con đường ở thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An.[8]

Căn nhà của ông được được xếp hạng là di tích lịch sử văn hoá cấp quốc gia năm 1990.[9]

Chú thích

  1. ^ a b Trong thời gian học với thầy Vương Thúc Quý, Nguyễn Sinh Cung đã có một vế đối: “Cưỡi ngựa dong thẳng Tấn lên Đường, được thầy khen là có tư chất hơn bạn bè đồng trang lứa. Bạn biết gì về sự kiện ấy?
  2. ^ a b c d e f Hãy cho biết đôi nét về thầy Quý?
  3. ^ Tứ hổ
  4. ^ Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc: Tấm gương vì nước, vì dân
  5. ^ Chủ tịch Hồ Chí Minh qua những mối quan hệ và gặp gỡ với Phan Bội Châu
  6. ^ Các bậc thầy và việc học của Bác Hồ thời nhỏ tuổi
  7. ^ Sự kiện: Nguyễn Tất Thành học chữ Hán với thầy Vương Thúc Quý ở trong làng Kim Liên.
  8. ^ Danh sách tổ chức được cấp chứng chỉ năng lực HĐXD năm 2018[liên kết hỏng]
  9. ^ Di tích lịch sử Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Kim Liên (huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An)[liên kết hỏng]