Tập đoàn quân

Đơn vị quân đội
XXXX

Ký hiệu bản đồ quân sự
Tập đoàn quân

Tiểu đội: 9-10 lính
Trung đội: 20-40 lính
Đại đội: 70-200 lính
Tiểu đoàn: 300-1.000 lính
Trung đoàn: 1.500-3.000 lính
Lữ đoàn: 5.000-9.000 lính
Sư đoàn: 10.000-15.000 lính
Quân đoàn: 20.000-45.000 lính
Quân khu: 40.000-50.000 lính
Tập đoàn quân: 100,000–300,000 lính
Phương diện quân: 2+ Tập đoàn quân
Cụm tập đoàn quân: 250,000-1,000,000 lính


Tập đoàn quân hay Đạo quân là thuật ngữ chỉ một đại đơn vị cấp chiến dịch – chiến lược trong tổ chức quân đội chính quy tại một số nước có quân đội rất lớn như Liên Xô, Đức Quốc xã, Anh, Mỹ..., hợp thành từ các quân đoàn hoặc các nhóm sư đoàn hỗn hợp, được sử dụng chủ yếu trong hai cuộc thế chiến.

Nguồn gốc

Trước Thế chiến thứ nhất, sư đoàn là cấp đơn vị cơ bản tiến hành các chiến dịch tấn công và phòng ngự quy mô lớn. Do sự phát triển của chiến tranh, đặc biệt là do nhu cầu sử dụng và chỉ huy binh lực trong một cuộc chiến đại quy mô như Thế chiến thứ nhất, tổ chức quân đoàn và tập đoàn quân dần được sử dụng như là tổ chức đơn vị cấp chiến dịch - chiến lược phổ biến, đặc biệt là trong Thế chiến thứ hai. Thậm chí, để thuận tiện trong việc chỉ huy chiến dịch lớn, các tập đoàn quân còn được tổ chức thành Cụm tập đoàn quân (Army Group) trong quân đội Đức và quân Đồng Minh hay Phương diện quân trong Hồng quân Liên Xô.

Trong Lục quân Đế quốc Nhật Bản, tồn tại biên chế phương diện quân tương đương biên chế tập đoàn quân tiêu chuẩn của châu Âu.

Tổ chức

Thông thường, tổ chức Tập đoàn quân bao gồm 2-3 quân đoàn, mỗi quân đoàn gồm 2-4 sư đoàn, do một tướng lĩnh từ cấp Trung tướng đến Đại tướng làm tư lệnh Tập đoàn quân. Tuy nhiên, tùy theo quốc gia, biên chế mỗi sư đoàn có thể không đều nhau. Năm 1941, khi quân Đức tấn công Liên Xô với 190 sư đoàn, mỗi sư đoàn bộ binh Đức có biên chế từ 15.000 đến 16.000 người theo tiêu chuẩn, vì thế tổng binh lực của quân Đức tại Mặt trận phía Đông là 3 triệu quân. Đối lại, quân Liên Xô tuy có 149 sư đoàn, biên chế danh nghĩa là 14.500 người, nhưng trên thực tế chỉ có từ 5.000 đến 8.000 quân, do đó binh lực phía Liên Xô tại Mặt trận Xô - Đức chỉ có chưa đến 1.2 triệu[1]. Điều này ảnh hưởng đến đến quân số của các Tập đoàn quân. Vì vậy, trong một số thời điểm, một số Tập đoàn quân cũng được tổ chức quản lý trực tiếp cấp sư đoàn, bỏ qua cấp quân đoàn.

Hầu hết các Tập đoàn quân đều là đơn vị hợp thành. Trong quân đội Anh, Mỹ, đơn vị binh chủng cao nhất là cấp sư đoàn, gồm các sư đoàn cơ giới, sư đoàn bộ binh. Liên Xô ban đầu cũng tổ chức đến cấp Sư đoàn, sau tổ chức các Quân đoàn cơ giới hợp thành bởi các sư đoàn tăng và sư đoàn bộ binh; về sau có nhiều xe tăng hơn nên tổ chức thành các Tập đoàn quân xe tăng độc lập. Quân Đức thì tổ chức thành hai loại Tập đoàn quân: Tập đoàn quân bộ binh dã chiến và Tập đoàn quân xe tăng; các Tập đoàn quân xe tăng của Đức gồm 2 quân đoàn xe tăng có nhiệm vụ đánh thọc sâu và 2 quân đoàn cơ giới tấn công hỗ trợ.

Sau thế chiến, nhu cầu sử dụng và điều động đại đơn vị không còn cần thiết nữa, vì vậy tổ chức Tập đoàn quân không còn được sử dụng nữa. Một số quốc gia có số quân lớn vẫn còn sử dụng thêm cấp Quân đoàn. Tuy nhiên, cấp sư đoàn trở lại là đơn vị cơ bản cấp chiến dịch.

Một số Tập đoàn quân nổi tiếng trong Thế chiến thứ hai

  • Tập đoàn quân Cơ giới số 8 Anh (tướng chỉ huy: Bernard Montgomery)
  • Tập đoàn quân Thiết giáp số 7 Hoa Kỳ (tướng chỉ huy: George S. Patton)
  • Tập đoàn quân Bộ binh số 62 Liên Xô, sau đổi thành Tập đoàn quân Cận vệ số 8 (tướng chỉ huy: Vasily Chuikov)
  • Tập đoàn quân số 6 Đức (tướng chỉ huy: Friedrich Paulus)

Xem thêm

Chú thích

  1. ^ Nhớ lại và suy nghĩ - Zhukov

Tham khảo

Hình tượng sơ khai Bài viết chủ đề quân sự này vẫn còn sơ khai. Bạn có thể giúp Wikipedia mở rộng nội dung để bài được hoàn chỉnh hơn.
  • x
  • t
  • s