Jeanne d'Arc

Jeanne d'Arc
Hình ảnh một phụ nữ mặc giáp sắt, cầm gươm và cờ hiệu.
Tiểu họa trang trí đầu dòng khắc họa Jeanne (niên đại nửa sau thể kỷ 15, Archives Nationales, Pháp, AE II 2490)[a]
Trinh nữ tử đạo
Sinhk. 1412
Domrémy, Công quốc Bar, Vương quốc Pháp
Mất30 tháng 5 năm 1431 (k. 19 tuổi)
Rouen, Normandie (bấy giờ thuộc Anh)
Tôn kính
Chân phước18 tháng 4 năm 1909 bởi Giáo hoàng Piô X
Tuyên thánh16 tháng 5 năm 1920 bởi Giáo hoàng Biển Đức XV
Lễ kính30 tháng 5
Quan thầy củaPháp

Jeanne d'Arc (tiếng Pháp: Jeanne d'Arc [ʒan daʁk]; tiếng Pháp trung cổ: Jehanne d'Arc [ʒəˈãnə ˈdark]; k. 1412 – 30 tháng 5 năm 1431) là thánh quan thầy của nước Pháp, được tôn vinh vì vai trò trong cuộc vây hãm Orléans và sự kiên quyết của nàng trong việc trao ngôi miện cho Vua Charles VII của Pháp trong Chiến tranh Trăm Năm. Tự nhận là tuân theo chỉ dẫn của thánh thần, nàng đã trở thành một thủ lĩnh quân đội và được công nhận là cứu tinh của nước Pháp.

Jeanne chào đời trong một nông gia hữu sản tại Domrémy, miền đông bắc Pháp. Năm 1428, nàng triều kiến trước thái tử Charles, làm chứng về việc nhìn thấy dị kiến từ Tổng lãnh thiên sứ Micae, Thánh Margaret, và Thánh Catarina, chỉ dẫn nàng cứu lấy Pháp khỏi quân xâm lược Anh nhân danh ngài. Bị thuyết phục trước sự chân thành và thuần khiết của Jeanne, Charles cử thiếu nữ mới 17 tuổi theo đoàn quân giải phóng Orléans. Nàng đặt chân tới thành phố vào tháng 4 năm 1429, mang theo hiệu kỳ và truyền cảm hứng cho binh lính nhụt chí cố thủ trong thành. Sau chín ngày, quân Anh bỏ thành và Jeanne thôi thúc quân Pháp rượt đuổi bằng được quân Anh trong Chiến dịch Loire, kết thúc với trận đại thắng tại Patay, mở đường cho Pháp chiếm lại Reims mà không đổ một giọt máu. Tại đây, Charles được suy tôn làm Vua nước Pháp bên cạnh Jeanne. Những chiến thắng này đã khôi phục nhuệ khí của người Pháp, góp phần dẫn tới thắng lợi cuối cùng của họ trong Chiến tranh Trăm Năm vài thập kỷ sau.

Sau lễ đăng cơ của Charles, Jeanne can dự vào hai cuộc vây hãm bất thành, tại Paris vào tháng 9 năm 1429 và tại La Charité vào tháng 11. Hai biến cố này đã khiến lòng tin của triều đình giảm sút đáng kể. Đầu năm 1430, Jeanne tập hợp một đội lính tự nguyện nhằm phá vây Compiègne, khu vực đang bị chiếm cứ bởi đồng minh Bourgogne của Anh. Ngày 23 tháng 5 năm 1430, nàng rơi vào tay quân Bourgogne. Sau lần trốn chạy bất thành, nàng bị giao nộp cho quân Anh vào tháng 11, rồi bị khép tội dị giáo bởi Giám mục Pierre Cauchon với các cáo buộc như: báng bổ vì mặc quần áo đàn ông, hành động theo các dị kiến quỷ quái và từ chối chịu trách nhiệm cho lời khai của mình trước giáo hội. Ngày 30 tháng 5 năm 1431, nàng bị hỏa hình trên cọc khi mới 19 tuổi.

Năm 1456, một phiên tòa dị giáo được tổ chức nhằm xét lại vụ xử Jeanne và lật trắng án, tuyên bố vụ án đã bị bài hoại bởi sự dối trá và lỗi tiến hành. Jeanne từ đó được tôn làm tử đạo và được nhìn nhận như người con gái tuân phục Giáo hội Công giáo La Mã, hay một nhà nữ quyền thuở sớm, tượng trưng cho độc lập tự do. Sau Cách mạng Pháp, nàng trở thành biểu tượng quốc gia của nước này. Năm 1920, Jeanne d'Arc được phong thánh bởi Giáo hội và được tuyên làm quan thầy của Pháp hai năm sau. Hình tượng Jeanne đã xuất hiện dưới nhiều hình thức văn hóa khác nhau như văn học, hội họa, âm nhạc, điêu khắc và kịch nghệ.

Tên gọi

Tên Jeanne d'Arc có nhiều biển thể khác nhau, không có sự thống nhất. Trước thế kỷ thứ 16, vẫn chưa có chuẩn chính tả cụ thể để viết tên nàng; tên cuối của nàng thường được viết là "Darc" mà không có dấu phẩy lược, song cũng có các biến thể như "Tarc", "Dart" hoặc "Day". Tên thân phụ của nàng được khai là "Tart" tại phiên tòa.[3] Trong lá thư ban phù hiệu áo giáp năm 1429 gửi từ Charles VII, tên nàng được ghi là "Jeanne d'Ay de Domrémy".[4] Bình sinh, Jeanne có lẽ chưa bao giờ nghe thấy cái tên "Jeanne d'Arc". Ghi chép đầu tiên chứa cái tên này có niên đại về năm 1455, tức 24 năm sau khi nàng mất.[3]

Jeanne hồi nhỏ không được học đọc hoặc viết,[5] vì vậy phải nhờ người khác chép thư hộ.[6] Về sau, nàng có lẽ đã học cách ký tên mình trong một số bức thư, thậm chí có lẽ đã lĩnh hội kỹ năng đọc.[7] Jeanne tự xưng trong các bức thư là Jeanne la Pucelle ("Jeanne Trinh nữ") hay ngắn gọn là la Pucelle ("Trinh nữ"), nhấn mạnh rằng nàng vẫn còn trinh, đồng thời ký tên là "Jehanne". Bước vào thế kỷ thứ 16, nàng bắt đầu được gọi bằng danh xưng "Trinh nữ xứ Orleans" [The Maid of Orleans].[6]

Chào đời và bối cảnh lịch sử

Bản đồ Pháp năm 1429 [8]
  Lãnh thổ nằm trong tay Henry V của Anh
  Lãnh thổ nằm trong tay Philip III của Bourgogne
  Lãnh thổ nằm trong tay Charles VII của Pháp
  Nơi diễn các trận đánh chính

Jeanne d'Arc chào đời khoảng năm 1412[9] tại Domrémy, một ngôi làng nhỏ trong thung lũng Meuse nay thuộc tỉnh Vosges ở miền đông bắc nước Pháp.[10] Không rõ sinh nhật của Jeanne là ngày nào và tuổi của nàng cũng khá mù mịt.[11][b] Thân sinh của nàng là Jacques d'Arc và Isabelle Romée. Jeanne có ba anh em trai và một người chị hoặc em gái.[15] Cha nàng, Jacques, là một nông dân[16] sở hữu mảnh đất rộng 50 mẫu Anh (20 ha),[17] ngoài ra nhậm hương chức kiêm trương tuần, thúc thuế dân làng để kiếm thêm lương bổng.[18]

Nàng sinh ra vào thời kỳ Chiến tranh Trăm Năm giữa Anh và Pháp, cuộc chiến mà đã bắt đầu từ năm 1337,[19] bắt nguồn từ tranh cãi về các lãnh thổ của Anh ở Pháp và người nối ngôi chính đáng của Pháp.[20] Hầu như tất cả các chiến sự diễn ra trên đất Pháp, tàn phá nền kinh tế nước này.[21] Vào thời điểm Jeanne chào đời, Pháp bị chia rẽ sâu sắc về mặt chính trị. Vua Charles VI đôi khi nổi cơn tâm thần và không có khả năng cai trị;[22] điều này khiến hoàng huynh của ngài, Louis, Công tước xứ Orléans, và anh em thúc bá của ngài, Jean, Công tước xứ Bourgogne, tranh giành quyền nhiếp chính. Năm 1407, Công tước xứ Bourgogne sai người hạ sát Công tước xứ Orléans,[23] nhen nhóm mồi lửa cho một cuộc nội chiến trong tương lai.[24] Charles xứ Orléans nối gót thân phụ, trở thành công tước khi mới 13 tuổi nhưng bị tống giam bởi Bernard, Bá tước xứ Armagnac; những người ủng hộ ông ta được gọi là "phái Armagnac" còn những người ủng hộ Công tước xứ Bourgogne được gọi là "phái Bourgogne".[23] Nhà vua tương lai của Pháp, Charles VII, được phong tước Dauphin (người kế vị ngai vàng) sau cái chết trước đó của bốn người anh[25] và có quan hệ thân hữu với phái Armagnac.[26]

Henry V của Anh lợi dụng tình hình rối ren ở Pháp để phát động cuộc xâm lược nước này vào năm 1415.[27] Năm 1418, phái Bourgogne chiếm đóng Paris.[28] Năm 1419, Dauphin chiêu dụ một hòa ước với Công tước xứ Bourgogne, song vị này bị ám sát bởi những người Armagnac ủng hộ Charles tại buổi đàm phán. Công tước mới của Bourgogne, Philippe III, chọn liên minh với người Anh.[29] Charles VI quở trách con trai vì giết hại Công tước xứ Bourgogne và tuyên bố vị Dauphin không còn đủ tư cách nối ngôi.[30]

Cuộc đời kỳ thủy

Minh họa sớm nhất về Jeanne d'Arc,[31] vẽ bởi Clément de Fauquembergue (tháng 5 năm 1429, Kho lưu trữ Quốc gia Pháp)[c]

Thuở nhỏ, Jeanne làm việc nhà, kéo sợi, phụ cha cày đồng và chăn gia súc. Thân mẫu Jeanne đảm bảo con gái được học tập tôn giáo tử tế.[33] Phần lớn Domrémy lúc bấy giờ nằm trong Công quốc Bar,[34] lãnh thổ mà vị thế phong kiến không rõ ràng;[35] tuy bao quanh bởi các vùng đất theo phái Bourgogne, nhân dân nơi đây ủng hộ phái Armagnac.[36] Tới năm 1419, chiến tranh đã lan tới khu vực này,[37] và vào năm 1425, Domrémy bị tấn công và gia súc tại đây bị cướp.[38] Dân làng từ đó rất căm phẫn người Anh. Jeanne nhìn thấy dị kiến đầu tiên sau sự kiện này.[39]

Jeanne có làm chứng rằng ,vào năm 13 tuổi, tức khoảng năm 1425, một hình nhân mà nàng cho là Thánh Micae bao quanh bởi thiên sứ đã hiện ra trong vườn nhà.[40] Sau dị kiến ấy, đôi mắt Jeanne đẫm lệ vì nàng mong muốn các vị thiên sứ đưa mình theo.[41] Xuyên suốt cuộc đời, nàng đã nhiều lần thấy Thánh Micae,[42] quan thầy của Domrémy.[43] Nàng khẳng định những dị kiến ấy diễn ra thường xuyên, nhất là vào những lúc chuông nhà thờ reo.[44] Thánh Margaret và Thánh Catarina cũng hay xuất hiện trong những thị kiến ấy; tuy Jeanne không xác minh, hai vị thánh này có lẽ là Margaret thành Antioch và Catarina thành Alexandria nổi tiếng trong khu vực.[45] Cả hai đều là những thánh trinh nữ chiến đấu chống lại kẻ thù mạnh mẽ, sau bị tra tấn và tử vì đạo, bảo tồn trinh tiết cho tới hơi thở cuối cùng.[46] Jeanne làm chứng rằng nàng đã thề nguyện giữ trinh với những giọng nói ấy.[47] Có lần một chàng trai trong làng cáo buộc Jeanne bội hôn ước với anh ta, Jeanne đáp rằng nàng chưa từng hứa hẹn gì với anh ta,[48] và tòa án giáo hội địa phương bác bỏ cáo trạng ấy.[49]

Thuở thiếu thời của Jeanne, cư dân trong làng truyền tai nhau một lời đồn dựa trên dị kiến của Marie Robine của Avignon (fr), rằng một trinh nữ vận giáp sẽ nổi lên đánh đuổi quân xâm lược.[50] Một lời tiên tri khác, được cho là của Merlin, khẳng định một thiếu nữ cầm hiệu kỳ sẽ chấm dứt sự khổ đau của nước Pháp.[51] Jeanne ngụ ý nàng chính là trinh nữ trong lời tiên tri, rêu rao với những dân chúng xung quanh rằng, một ả đàn bà sẽ hủy hoại nước Pháp nhưng một trinh nữ sẽ chấn hưng đất nước.[52][d] Tháng 5 năm 1428,[55] Jeanne yêu cầu người cậu ngoại đưa tới Vaucouleurs, nơi nàng đòi chỉ huy quân đội địa phương, Robert de Baudricourt, hộ tống tới triều đình Armagnac tại Chinon. Baudricourt từ chối và gửi nàng về nhà.[56] Vào tháng 7, Domrémy bị đột kích và thiêu đốt bởi quân Bourgogne,[57] khiến mùa màng thất bát, buộc gia đình Jeanne và dân làng phải tản cư.[58] Nàng quay lại Vaucouleurs vào tháng 1 năm 1429. Lời thỉnh cầu của nàng một lần nữa bị từ chối,[59] song thu phục được cảm tình của hai người lính dưới trướng Baudricourt, Jean de Metz và Bertrand de Poulengy.[60] Nàng được triệu tới Nancy dưới sự bảo lãnh của Charles II, Công tước xứ Lorraine, người mà đã nghe kể về Jeanne khi dừng chân tại Vaucouleurs. Vị công tước ốm yếu nghĩ rằng nàng ta sở hữu năng lực siêu nhiên có thể chữa khỏi bách bệnh. Lúc diện kiến, Jeanne không đưa ra phương thuốc nào mà thay vào đó khiển trách vị công tước vì chung chạ với tình nhân.[61]

Các hoàng đệ của Henry V, John của Lancaster, Đệ nhất Công tước xứ Bedford, và Humphrey, Công tước xứ Gloucester, tiếp nối cuộc xâm lược dang dở của anh trai.[62] Hầu hết miền bắc Pháp, Paris, và một phần tây nam Pháp nằm dưới sự kiểm soát của liên quân Anh – Bourgogne. Quân Bourgogne chiếm đóng Reims, địa điểm làm lễ đăng cơ truyền thống của các đời vua Pháp; Charles chưa được trao ngôi miện và một lễ đăng cơ ở Reims sẽ củng cố tính chính danh của ông trong mắt nhân dân Pháp.[63] Tháng 7 năm 1428, quân Anh bắt đầu bủa vây Orléans và gần như cắt đứt thị trấn này khỏi lãnh thổ do Charles kiểm soát bằng cách trấn giữ các cây cầy bắc qua sông Loire.[64] Địa thế Orléans có ý nghĩa chiến lược vì nó án ngữ con đường rộng thênh thang dẫn vào lãnh thổ của Charles.[65] Theo lời chứng về sau của Jeanne, dị kiến bấy giờ mách bảo nàng mau chóng rời Domrémy để cống hiến tài năng cho Dauphin Charles.[66] Baudricourt đồng ý gặp mặt Jeanne lần thứ ba vào tháng 2 năm 1429, quanh thời điểm quân Anh bắt được một toán quân giải vây của phái Armagnac tại Trận Herrings trong Cuộc vây hãm Orléans. Hội thoại giữa hai người,[67] cùng với sự ủng hộ của Metz và Poulengy,[68] đã thuyết phục Baudricourt cho phép Jeanne đến Chinon yết kiến vị Dauphin. Sáu binh sĩ được cử đi để hộ tống nàng.[69] Trước khi lên đường, Jeanne vận quần áo đàn ông[70] do những người hộ tống và nhân dân Vaucouleurs chuẩn bị.[71] Trên thực tế, Jeanne tiếp tục mặc trang phục đàn ông suốt phần đời còn lại.[72]

Cuộc đời và sự nghiệp

Nơi cô sinh ra, nay là viện bảo tàng. Nhà thờ nơi cô cầu nguyện nằm phía bên phải sau rặng cây.

Jeanne là con ông Jacques d'Arc và bà Isabelle Romée[73] tại Domrémy, một làng khi đó thuộc lãnh địa quận công xứ Bar (về sau nhập vào tỉnh Lorraine và đổi thành Domrémy-la-Pucelle).[74] Cha mẹ cô sở hữu 50 mẫu đất (0.2 km²), và để thêm thu nhập cha cô còn làm viên chức thu thuế trong làng, cũng như chỉ huy đội dân quân.[75] Họ sống tại một vùng đất hẻo lánh thuộc vùng đông bắc còn trung thành với triều đình Pháp, dù nằm lọt thỏm trong lãnh địa của phe Burgundy. Khi cô còn nhỏ, thỉnh thoảng làng của cô bị đột kích và đốt phá.

Jeanne cho biết cô 19 tuổi khi phiên tòa xử tội cô diễn ra, như vậy cô sinh năm 1412; cô sau này cho biết cô nhận được thiên khải đầu tiên vào khoảng năm 1424 lúc 12 tuổi, khi đó cô đang ở ngoài đồng một mình thì nghe thấy tiếng nói (của thiên sứ). Cô thuật lại là đã òa lên khóc khi họ biến mất vì họ quá sức đẹp đẽ. Cô cho biết Tổng thiên sứ Michael, Thánh nữ Catherine xứ Alexandria, và Thánh nữ Đồng trinh Margaret truyền cho cô đánh đuổi người Anh và đưa Dauphin đến Reims để lên ngôi vua.[76]

Khi 16 tuổi, cô nhờ một người họ hàng, Durand Lassois, đưa cô đến Vaucouleurs để thỉnh cầu chỉ huy đơn vị quân đóng tại đó là Bá tước Robert de Baudricourt cho phép tiếp kiến triều đình Pháp tại Chinon. Bá tước Baudricourt chế giễu cô, nhưng không làm cô nhụt chí.[77] Tới tháng 1, cô lại trở lại, và lần này được hai nhân vật quan trọng ủng hộ Jean de Metz và Bertrand de Poulengy.[78] Nhờ được họ bảo trợ, cô được gặp Bá tước lần thứ hai, và tiên đoán hết sức chính xác về việc quân Pháp thất trận Herrings gần Orléans.[79]

Thành công

Tàn tích đại sảnh tại Chinon, nơi cô gặp Vua Charles VII. Tòa tháp còn sót lại của lâu đài nay trở thành viện bảo tàng về cô.

Robert de Baudricourt cấp một toán quân bảo vệ cô đến Chinon, sau khi nhận được tin tức từ mặt trận xác nhận lời tiên đoán của cô trước đó. Cô băng qua lãnh địa của phe đối nghịch Burgundy bằng cách cải nam trang.[80] Tới triều đình, cô gây ấn tượng trong buổi hội đàm kín đến mức Charles VII phải hết sức kinh ngạc. Ông sau đó cho người thẩm tra lý lịch và giáo lý cô tại Poitiers. Cùng lúc đó, mẹ vợ Charles là Violant của Aragón bỏ tiền ra chuẩn bị một đạo quân cứu viện Orléans. Jeanne thỉnh cầu được gia nhập đoàn quân và vũ trang như một hiệp sĩ, với áo giáp trắng, ngựa, cờ, thị đồng đều do người ta quyên góp. Sử gia Stephen W. Richey cho biết cô là niềm hy vọng duy nhất của cả một vương triều sắp sụp đổ:

Sau bao năm thua hết trận này đến trận khác, các lãnh đạo quân sự và dân sự của Pháp đã mất hết tinh thần và uy tín. Lúc mà Dauphin Charles chấp thuận đề nghị khẩn thiết của Joan được phép vũ trang và chỉ huy quân đội, ông hẳn hiểu rằng tất cả mọi phương sách thông thường và hợp lý khác đều đã thất bại. Chỉ có một vương triều ở thế tuyệt vọng cùng cực mới lắng nghe một cô thôn nữ thất học tự xưng mình là sứ giả của Thượng đế truyền cho mình lãnh đạo quân đội để giành chiến thắng.[81]
"Hỡi Nhà vua nước Anh, và ngươi, Quận công Bedford, người tự xưng là nhiếp chính nước Pháp... hãy trả món nợ của các người cho Thượng đế; trả lại cho người Thiếu nữ, chìa khóa tất cả các thành phố Pháp tươi đẹp mà các người đã xâm phạm."
Thư gửi cho người Anh, tháng3-4 năm 1429; Quicherat I, trang 240, dịch bởi Wikipedia.

Cô đến Orléans ngày 29 tháng 4 năm 1429, nhưng Jean de Dunois (tức Jean d'Orléans), trưởng dòng công tước xứ Orléans, ban đầu không để cô tham gia họp trong hội đồng quân sự, và cũng không thông báo cho cô biết khi quân Pháp giao chiến với địch quân.[82] Tuy nhiên việc này không ngăn cản được cô có mặt tại hầu hết các cuộc họp và các trận giao tranh. Người ta vẫn còn tranh cãi về ảnh hưởng và quyền chỉ huy trên thực tế của cô, với các sử gia truyền thống như Édouard Perroy cho rằng cô chỉ có ý nghĩa tượng trưng, mang lại hiệu quả tinh thần là chính.[83] Tuy nhiên sự phân tích này dựa trên bản chép phiên toà xét xử cô, khi cô tuyên bố ưa cầm cờ hơn là cầm kiếm. Các học giả hiện đại tập trung vào phiên toà phục hồi danh dự của cô, nhấn mạnh là các sĩ quan tùy tùng rất khâm phục cô như một chiến thuật gia cừ khôi và là một nhà chiến lược giỏi. Ví dụ như Stephen W. Richey cho biết: "Cô dẫn quân đội đến một loạt chiến thắng ngoạn mục, xoay chiều cuộc chiến."[80] Dù thế nào đi chăng nữa, các sử gia cũng đồng ý là quân Pháp giành được nhiều thắng lợi vang dội trong thời kỳ sự nghiệp ngắn ngủi của cô.[84]

Chiến tranh xoay chiều

Cô không lặp lại chiến thuật khi đó của ban chỉ huy Pháp vốn tỏ ra quá thận trọng. Trong vòng 5 tháng bị vây hãm, quân Pháp chỉ đột kích có đúng một lần, và thất bại thảm hại. Tới ngày 4 tháng 5, quân Pháp công kích và đánh chiếm được tòa thành ngoại vi Saint Loup. Thừa thắng, cô cho quân tiến đánh pháo đài thứ hai, gọi là Saint Jean le Blanc. Pháo đài này hóa ra bị bỏ trống, nên quân Pháp giành được thắng lợi mà chẳng bị tổn thất gì. Ngày tiếp theo, trong cuộc họp hội đồng quân sự, cô bác lại kế hoạch của Jean d'Orleans và đòi tiến hành một cuộc đột kích nữa vào địch quân. Jean D'Orleans hạ lệnh khóa cửa thành lại để ngăn không cho cô giao chiến với quân địch, nhưng cô triệu tập dân chúng và binh sĩ lại và đòi thị trưởng phải mở cửa thành. Chỉ có một viên cai đội hỗ trợ, cô dẫn quân tiến ra và đánh chiếm pháo đài Saint Augustins. Trong tối đó, cô được tin mình đã bị loại ra khỏi hội đồng quân sự, và các chỉ huy hội đồng đã quyết định chờ viện quân trước khi tiếp tục giao tranh. Bất chấp quyết định đó, cô vẫn cương quyết đòi tấn công cứ điểm chính của quân Anh là "les Tourelles" ngày 7 tháng 5.[85] Người đương thời ghi nhận sự anh hùng của cô trong trận chiến, dù trúng một mũi tên vào cổ, cô vẫn quay trở lại chiến trường để dẫn quân xông lên trong đợt xung phong cuối cùng và hạ thành.[86]

"...hỡi dân chúng, trong tám ngày, người Thiếu nữ đã đánh đuổi quân Anh khỏi tất cả các đồn lũy của chúng bên bờ sông Loire bằng cách này hay cách khác: chúng hoặc chết hoặc bị bắt, hoặc phải tháo lui trên chiến trường. Những gì các bạn được nghe về bá tước Suffolk, huân tước la Pole cùng em trai, huân tước Talbot, huân tước Scales, và hiệp sĩ Fastolf đều là sự thật; chúng ta đã đánh bại còn nhiều hiệp sĩ và chỉ huy hơn thế nữa."
Thư gửi dân chúng Tournai, 25 tháng 6 năm 1429; Quicherat V, trang 125–126, dịch bởi Wikipedia.

Chiến thắng bất ngờ tại Orléans làm quân Pháp phấn chấn, rất nhiều người muốn tiến hành chiến dịch phản công quân Anh. Quân Anh dự tính quân Pháp có lẽ sẽ tìm cách đánh chiếm Paris hoặc mở cuộc tấn công vào Normandy. Sau chiến thắng tại Orleans, cô thuyết phục Charles VII giao quyền đồng chỉ huy quân đội cho cô và Công tước John II xứ Alençon và được nhà vua chấp thuận cho phép cô đánh chiếm các cây cầu bắc qua sông Loire để chuẩn bị tiến đánh Reims. Đây là một kế hoạch táo bạo, vì Reims nằm cách xa gấp đôi Paris, sâu trong lãnh thổ đối phương.[87]

Nhà thờ Notre-Dame de Reims, nơi theo truyền thống là nơi đăng quang của vua Pháp.

Quân Pháp tái chiếm Jargeau ngày 12 tháng 6, đánh thắng trận Meung-sur-Loire ngày 15, rồi trận Beaugency ngày 17. Công tước Alençon chấp thuận tất cả các đề xuất của Jeanne. Các chỉ huy khác, bao gồm cả Jean d'Orléans vốn đã hết sức khâm phục cô kể từ trận Orléans, nay trở thành những người nhiệt thành ủng hộ cô. Alençon ghi công cô cứu mạng tại Jargeau, khi cô cảnh báo ông về một cuộc pháo kích bởi đại bác.[88] Cũng trong trận này, cô trúng một viên đạn thần công bằng đá trúng mũ trụ khi đang leo lên thang đánh thành. Một đạo quân Anh cứu viện bất ngờ xuất hiện ngày 18 tháng 6 dưới quyền chỉ huy của Hầu tước John Fastolf. Trận Patay diễn ra và quân Pháp đại thắng, chiến thắng này có thể coi là bản sao ngược của trận Agincourt. Tiền quân Pháp xung trận trước khi xạ thủ Anh dùng trường cung kịp chuẩn bị trận địa phòng ngự, kết quả là quân Anh bị đánh tơi bời, rút chạy toán loạn. Quân Pháp truy kích và tiêu diệt phần lớn đạo quân này, phần lớn sĩ quan chỉ huy quân Anh bị bắt sống. Hầu tước Fastolf chạy thoát với một dúm quân, để trở thành con dê tế thần cho người Anh trút mối nhục chiến bại. Quân Pháp thắng trận mà chỉ tổn thất không đáng kể.[89]

Quân Pháp xuất phát từ Gien-sur-Loire, hướng về Reims ngày 29 tháng 6, chấp nhận đầu hàng từ thành phố Auxerre do phe Burgundy giữ ngày 3 tháng 7. Tất cả các thị trấn nằm trên đường tiến quân của họ đều hạ vũ khí quay về với vua Pháp. Thành Troyes, nơi ký kết hiệp định tước quyền thừa kế của Charles VII, qui hàng sau khi bị vây hãm có bốn ngày mà không cần giao chiến.[90] Quân Pháp lúc tiến tới Troyes thì thiếu lương thực trầm trọng. Edward Lucie-Smith dùng việc này như một ví dụ rằng Jeanne may hơn khôn: trước đó một vị thầy tu lang thang tên là Tu sỹ Richard thuyết giáo về sự tận thế tại Troyes và thuyết phục dân chúng trồng đậu là một thứ cây lương thực ngắn ngày. Đạo quân đói khát đến nơi khi đậu vừa kịp thu hoạch.[91]

"Hoàng thân xứ Bourgogne, tôi cầu nguyện ngài — tôi khẩn khoản cầu xin ngày - ngừng chiến với vương quốc Pháp thiêng liêng. Xin hãy nhanh chóng rút binh lính của ngài tại một số đất đai và pháo đài trong vương quốc, và nhân danh nhà vua nhân từ của Pháp, tôi thông báo nhà vua đã sẵn sàng lấy danh dự ra để đảm bảo hòa bình với ngài."
"Thư gửi cho Philippe Tốt bụng, Công tước xứ Bourgogne, 17 tháng 7 năm 1429; Quicherat V, trang 126–127, dịch bởi Wikipedia.

Thành Reims mở cổng thành đầu hàng ngày 6 tháng 7. Sáng hôm sau, buổi lễ lên ngôi vua bắt đầu. Dù cả Jeanne và công tước Alençon thúc giục nhà vua cho tiến đánh Paris gấp, nhưng triều đình lại muốn đàm phán ngưng chiến với công tước Burgundy. Công tước Philip Tốt bụng vi phạm thỏa thuận giữa hai bên, dùng nó để kéo dài thời gian và tăng viện cho Paris.[92] Quân Pháp trong lúc đó hành binh và tiếp tục nhận thêm các thành phố gần Paris đầu hàng. Quận công Bedford tập hợp một đạo quân Anh tiến ra chặn giữ quân Pháp ngày 15 tháng 8. Tới ngày 8 tháng 9, quân Pháp bắt đầu công phá Paris. Dù bị trúng một mũi tên vào chân, nhưng Jeanne tiếp tục chỉ huy binh sĩ cho tới khi giao tranh kết thúc khi trời tối. Ngày hôm sau, cô nhận được lệnh từ triều đình hạ lệnh ngưng chiến và rút quân. Phần lớn sử gia đổ lỗi cho tể tướng Pháp là Georges de la Trémoille đã phạm phải nhiều sai lầm chính trị tai hại kể từ sau lễ đăng quang của nhà vua Pháp.[93]

Bị cầm tù

Tòa tháp tại Rouen, nơi cô bị giam cầm trong phiên tòa, được biết đến với tên gọi "tòa tháp Jeanne of Arc". Trong một lần định chạy trốn, cô nhảy xuống từ một tòa tháp khác có cấu trúc tương tự.

Sau một trận giao chiến nhỏ tại La-Charité-sur-Loire trong tháng 11 và 12, Jeanne đến Compiègne trong tháng 4 để bảo vệ thành phố chống lại quân Anh và Burgundy vây hãm. Cô bị bắt sống trong một trận chạm trán ngày 23 tháng 5 năm 1430. Khi hạ lệnh rút lui, cô là người rút cuối cùng để đoạn hậu, quân Burgundy vây bọc toán quân đoạn hậu của cô.[94]

"Sự thật là nhà vua đã hưu chiến với công tước xứ Burgundy trong 15 ngày, và công tước phải giao lại Paris sau khi hạn 15 ngày chấm dứt. Nhưng các bạn chớ có ngạc nhiên nếu như tôi không nhanh chóng tiến quân vào thành phố đó. Tôi chưa hài lòng với các cuộc hưu chiến, và không chắc rằng tôi sẽ chấp nhận chúng, nhưng nếu tôi chấp thuận hưu chiến, thì đó chỉ là để bảo toàn danh dự cho nhà vua: dù họ có xâm phạm hoàng gia như thế nào đi chăng nữa, thì tôi cũng sẽ duy trì quân đội đề phòng trường hợp họ không tôn trọng hòa bình sau 15 ngày."
"Thư gửi nhân dân Reims, 5 tháng 8 năm 1429; Quicherat I, trang 246, dịch bởi Wikipedia.

Theo lệ thường thì thân nhân có thể dùng tiền để chuộc lại tù binh. Không may là gia đình cô không có tiền. Nhiều sử gia lên tiếng chỉ trích vua Charles VII không làm gì cả để can thiệp. Cô mấy lần định vượt ngục, có lần nhảy từ tòa tháp cao 70 bộ (21 m) ở Vermandois xuống một cái hào khô, rồi sau đó bị chuyển đến thị trân Arras do quân Burgundy kiểm soát. Chính quyền Anh mua lại cô từ Công tước Philip xứ Burgundy. Giám mục Pierre Cauchon xứ Beauvais, một người thân Anh, đóng vai trò chính trong việc đàm phán mua lại cô và trong phiên tòa xét xử cô sau này. [95]

Phiên tòa xét xử

Tòa án dị giáo này được thúc đẩy bởi lý do chính trị. Công tước Bedford thay mặt cho cháu trai của mình là Henry VI tranh giành ngai vàng của nước Pháp. Jeanne là người đã trợ giúp cho việc đăng quang của vị vua đối nghịch, do đó việc kết tội cô là một nỗ lực nhằm hạ bệ tính hợp pháp của lễ đăng quang của vua Charles VII. Các thủ tục pháp lý đã được tiền hành từ ngày 9 tháng 1 năm 1431 tại Rouen, thuộc khu vực kiểm soát của chính quyền Anh. Vụ xét xử này có một số điểm bất thường.

Tóm tắt một vài vấn đề chính như sau:

Theo luật của Giáo hội, Giám mục Cauchon thiếu thẩm quyền xét xử trường hợp này. Ngài được bổ nhiệm xét xử nhờ sự chống đỡ thiên vị của chính quyền Anh, và chính quyền Anh đã tài trợ cho cuộc xét xử này. Giáo sĩ công chứng viên Nicolas Bailly được bổ nhiệm đi thu thập lời chứng chống lại Jeanne nhưng đã không thể tìm thấy bất kỳ chứng cứ chống đối nào. Tòa án đã mở cuộc xét xử mà không hề có chứng cứ nào như thế. Tòa án cũng vi phạm luật của Giáo hội khi từ chối quyền được có cố vấn pháp lý của Jeanne. Trong cuộc thẩm tra công khai đầu tiên, Jeanne tố cáo rằng tất cả những người hiện diện lúc đó đều là những người theo phe Anh chống lại cô, và yêu cầu phải có những giáo sĩ của phía Pháp được mời.

Nhiều viên chức tòa án sau này đã làm chứng rằng những phần quan trọng của bản ghi chép đã được sửa đổi nhằm chống lại cô. Nhiều giáo sĩ đã bị cưỡng bức tham gia, trong đó có cả quan tòa Jean Le Maitre, thậm chí một số người còn bị chính quyền Anh đe dọa giết. Theo những hướng dẫn dành cho tòa án dị giáo thì Jeanne phải được nhốt trong một nơi giam giữ thuộc Giáo hội dưới sự trông nom của những người canh gác thuộc nữ giới, nghĩa là các nữ tu. Nhưng không, chính quyền Anh đã giữ cô trong một nhà tù thế tục được canh gác bởi những người lính của họ. Giám mục Cauchon đã từ chối đơn kháng án của Jeanne lên Hội đồng Basel và Giáo hoàng vì điều này có thể ngừng việc xét xử của ông.

Mười hai lời buộc tội tóm tắt bản tuyên án của tòa mâu thuẫn với hồ sơ tòa án đã bị sửa đổi. Bị cáo mù chữ dưới áp lực bị đe dọa tử hình ngay lập tức đã ký vào một văn kiện tuyên bố bội giáo mà cô không hiểu. Tòa án đã thay thế một lời tuyên bố bội giáo khác trong hồ sơ chính thức.

Bị hành quyết

Tội dị giáo chỉ bị kết án tử hình nếu đương sự liên tục phạm tội. Thoạt đầu Jeanne chấp nhận mặc quần áo phụ nữ, nhưng trong khi bị giam cầm, cô đã bị quấy rối tình dục.[96] Vì thế nên cô mặc lại quần áo đàn ông để tự vệ khỏi bị quấy nhiễu, hoặc là theo lời chứng của Jean Massieu, vì quần áo của cô bị lấy trộm và cô không có đồ gì khác để mặc.[97]

Các nhân chứng kể lại cuộc hành quyết bằng cách thiêu sống trên dàn thiêu ngày 30 tháng 5 năm 1431. Bị trói trên một cây cọc cao tại Vieux-Marche ở Rouen, cô xin hai vị giáo sĩ, linh mục Martin Ladvenu và linh mục Isambart de la Pierre, nâng cây thánh giá trước mặt mình. Một người nông dân cũng làm một cây thập tự nhỏ mà cô dùng để gài trước áo. Sau khi cô chết, người Anh gạt đống tro ra, để lộ thân xác cháy thiêu của cô, để không ai có thể cho là cô đã trốn thoát, rồi lại đốt thi thể cô hai lần nữa để biến nó thành tro bụi, sao cho không ai có thể thu thập được mảnh thân xác nào làm thánh tích. Họ ném tro bụi xác cô xuống sông Seine.[98] Viên đao phủ, Geoffroy Therage, về sau nói là ông ta "...khiếp sợ sẽ bị đày xuống địa ngục."[99]

Phục hồi danh dự

Philippe-Alexandre Le Brun de Charmettes là sử gia đầu tiên viết một cuốn sách hoàn chỉnh về Jeanne d'Arc[100] năm 1817, trong nỗ lực nhằm khôi phục danh tiếng của gia đình cô. Ông trở nên quan tâm về Jeanne khi nước Pháp vẫn còn phải nỗ lực tìm bản sắc của mình sau cuộc Cách mạng Pháp chiến tranh Napoleon. Đặc trưng quốc gia của Pháp khi ấy là tìm kiếm một anh hùng chân chính, không có tai tiếng. Với tư cách một người ủng hộ nhiệt thành nhà vua và đất nước, Jeanne d'Arc là một hình mẫu có thể chấp nhận được với những người theo đường lối bảo hoàng. Là một người yêu nước và là con gái của một gia đình bình dân, cô được xem như hình tượng ban đầu của những chiến sĩ tình nguyện thuộc tầng lớp dưới đáy của xã hội, (the soldats de l'an II), những người đã anh dũng chiến đấu và chiến thắng cho cuộc cách mạng Pháp năm 1802, và như vậy có thể được xem như hình tượng của một người Cộng hòa. Là một người tử vì đạo, cô rất được lòng giới giáo dân Công giáo mộ đạo. Cô được phong nữ Thánh năm 1920 bởi Đức giáo hoàng Bênêdictô XV. Cuốn Orleanide của De Charmette, ngày nay đã bị quên lãng, là một ví dụ về việc người ta tạo ra một "đặc trưng quốc gia", giống như các nhà văn Virgil (với cuốn Aeneid), hay Camoens (cuốn Lusiad) đã làm cho La Mã và Bồ Đào Nha.

Đoạn kết cuộc chiến

Cuộc chiến tranh trăm năm còn tiếp tục kéo dài thêm 22 năm kể từ ngày cô mất. Charles VII giữ được địa vị vua chính thống của Pháp, dù phe đối địch với ông làm lễ đăng quang cho Henry VI tháng 12 năm 1431, khi cậu bé tròn 10 tuổi. Trước khi nước Anh kịp tái tổ chức lực lượng chỉ huy và đạo quân cung thủ dùng trường cung, bị tiêu diệt năm 1429, họ mất đi đồng minh Bourgogne sau Hòa ước Arras năm 1435. Quận công Bedford cũng qua đời cùng năm đó, và Henry VI trở thành vị vua thiếu niên trẻ nhất của Anh cai trị không có nhiếp chính, và sự non yếu của ông có lẽ là lý do quan trọng nhất khiến cuộc chiến chấm dứt. Sử gia Kelly DeVries cho rằng chiến thuật tấn công bằng đại bác và tập kích vỗ mặt mà Jeanne d'Arc sử dụng có ảnh hưởng đến chiến thuật mà quân Pháp sử dụng cho tới hết chiến tranh.[101]

Minh oan và vinh danh

Jeanne d'Arc trở thành một nhân vật gần như huyền thoại trong suốt bốn thế kỷ tiếp theo. Nguồn thông tin chính về cô đến từ các bản kỷ yếu, năm bản chép tay về phiên tòa xét xử cô được tìm thấy trong đống tư liệu cổ vào thế kỷ 19. Không lâu sau đó, các sử gia tìm được toàn bộ bản ghi về phiên tòa minh oan cho cô, trong đó bao gồm lời chứng từ 115 nhân chứng, và nguyên bản tiếng Pháp của bản thảo tiếng Latin của phiên tòa xét xử cô. Nhiều bức thư đương thời cũng được tìm thấy, ba trong số đó mang chữ ký "Jehanne", với nét chữ run run của một người đang tập viết.[102] Nguồn tư liệu phong phú bất ngờ này là lý do để DeVries phải thốt lên, "Không có nhân vật nào từ thời Trung Cổ, đàn ông hay phụ nữ, lại được quan tâm nghiên cứu đến như thế".[103]

Chữ ký trong lá thư cô đọc cho người chép.

Jeanne d'Arc xuất thân từ một làng quê hẻo lánh, chỉ là một cô thôn nữ thất học mà nổi lên như một nhân vật xuất chúng khi còn chưa quá tuổi thiếu niên. Cuộc chiến tranh giành ngôi giữa vua Anh và vua Pháp dựa trên bộ luật Salic cổ kéo dài đằng đẵng, sự xuất hiện của cô mang lại ý nghĩa cho câu hỏi "Liệu có nên đuổi nhà vua khỏi vương quốc; và liệu chúng ta có trở thành người Anh?"[78] Theo Stephen Richey, "Cô biến một cuộc chiến giành ngai vàng giữa hai triều đại, khiến nhân dân trở nên vô cảm vì mất mát, thành một cuộc chiến tranh ái quốc được nhân dân ủng hộ."[104] Theo Richey:

"Những người quan tâm đến cô trong suốt năm thế kỷ sau đó tìm cách gán cho cô đủ loại phẩm chất: cuồng tín ma quỷ, tâm linh huyền bí, ngây thơ và bị sử dụng một cách bi thảm bởi những kẻ có thế lực, người sáng lập và biểu tượng của chủ nghĩa ái quốc hiện đại, nữ anh hùng được yêu quý, nữ thánh. Cô kiên định, dù bị đe dọa tra tấn và chết trên giàn hỏa, rằng mình được dẫn dắt bởi giọng nói của Thượng đế. Dù có thế nào đi chăng nữa, thành quả mà cô gặt hái được khiến người nghe không khỏi lắc đầu kinh ngạc."[104]

Năm 1452, trong một cuộc điều tra, Nhà thờ tuyên bố một vở kịch tôn giáo để tưởng niệm cô tại Orléans có giá trị như một đặc ân hành hương tới đất thánh. Cô trở thành biểu tượng cho Liên minh Công giáo (Pháp) thời thế kỷ 16. Ngài Félix Dupanloup, Giám mục xứ Orléans từ 1849 tới 1878 là người đi đầu trong nỗ lực phong thánh cho cô, nhưng ông không còn sống để thấy điều đó trở thành hiện thực.

Lá cờ chính phủ lưu vong của Charles de Gaulle thời Chiến tranh thế giới thứ hai. Phong trào kháng chiến Pháp sử dụng cây Thập tự Lorraine như biểu tượng gợi nhớ đến Jeanne of Arc.

Người Công giáo truyền thống tại Pháp và các nơi khác xem cô như biểu hiện của nguồn cảm hứng, và so sánh việc rút phép thông công Tổng Giám mục Marcel Lefebvre năm 1988 (người sáng lập ra Hội thánh Pius X và người bất đồng với các cải cách Vatican II) với việc cô bị rút phép thông công. Ba con tàu của Hải quân Pháp được đặt theo tên cô, gồm cả hàng không mẫu hạm cho máy bay trực thăng Jeanne d'Arc (R 97) nay vẫn còn hoạt động.

Ảnh hưởng

Đã từng có nhiều câu chuyện và những bộ phim truyền hình kể về cuộc đời của cô. Và cuộc đời đấu tranh và phục vụ cho nước Pháp của cô được thể hiện trong game chiến thuật dàn trận nổi tiếng Age of Empires II - The Age of Kings.

Việt Nam

Tại Thành phố Hồ Chí Minh, Nhà thờ Ngã Sáu còn được gọi là Nhà thờ Thánh Jeanne d'Arc

Chú thích

  1. ^ Tiểu họa trang trí đầu dòng này có lẽ là giả mạo.[1]
  2. ^ Sinh nhật của nàng đôi khi được coi là ngày 6 tháng 1. Điều này dựa trên một lá thư của Perceval de Boulainvilliers (fr), quan cố vấn của Charles VII, theo đó khẳng định rằng Jeanne chào đời vào Lễ Hiển Linh.[12] Tuy nhiên, ta phải chú ý rằng lá thư này chứa rất nhiều phép ẩn dụ văn học, khiến sự xác tín của nó bị đặt nghi ngờ.[13] Không có bằng chứng nào khác chỉ đến việc nàng sinh vào Lễ Hiển Linh.[14]
  3. ^ Nét vẽ nguệch ngoạc của Fauquembergue gần mép của trước bạ Nghị viện là minh họa duy nhất được biết về Jeanne. Đây là một tiểu họa miêu tả hình ảnh nàng với mái tóc dài và mặc váy, thay vì mái tóc ngắn và vận giáp.[32]
  4. ^ Người phụ nữ được nhắc đến ở đây dường như là Isabeau xứ Bavaria,[53] nhưng điều này chỉ là suy đoán.[54]

Tham khảo

Trích dẫn

  1. ^ Contamine 2007, tr. 199: Cette miniature du XVe siècle, très soignée (l'étendard correspond exactement à la description que Jeanne d'Arc elle-même en donnera lors de son procès) ... Mais c'est précisément cette exactitude, et cette coïncidence, trop belle pour être vraie, qui éveillent—ou plutôt auraient dû éveiller—les soupçons ... [Tiểu họa có niên đại về thế kỷ thứ 15 này, rất tinh xảo (cờ hiệu tương ứng chính xác với lời khai của Jeanne d'Arc tại phiên xử) ... Những chính vì sự chính xác này, và sự trùng hợp đáng kinh ngạc ấy, quá hoàn hảo để là sự thật, điều này gợi lên — hay lẽ ra đã phải gợi lên — sự nghi ngờ ...]
  2. ^ The Calendar 2021.
  3. ^ a b Pernoud & Clin 1986, tr. 220–221.
  4. ^ Pernoud & Clin 1986, tr. 81.
  5. ^ Gies 1981, tr. 21.
  6. ^ a b Pernoud & Clin 1986, tr. 220.
  7. ^ Lucie-Smith 1976, tr. 268; Pernoud & Clin 1986, tr. 247.
  8. ^ Barker 2009, tr. xviii.
  9. ^ Gies 1981, tr. 10; Pernoud & Clin 1986, tr. 55; Warner 1981, tr. 278.
  10. ^ DLP 2021: Domrémy-La-Pucelle est situé en Lorraine, dans l'ouest du département des Vosges ... dans la vallée de la Meuse. ["Domrémy-La-Pucelle tọa lạc tại Lorraine, phía tây khu hành chính Vosges ... trong thung lũng Meuse."]; Gies 1981, tr. 10.
  11. ^ Gies 1981, tr. 10.
  12. ^ Lucie-Smith 1976, tr. 6.
  13. ^ Harrison 2014, tr. 23; Pernoud & Clin 1986, tr. 55; Warner 1981, tr. 278.
  14. ^ Pernoud & Clin 1986, tr. 265.
  15. ^ DeVries 1999, tr. 36; Lucie-Smith 1976, tr. 8; Taylor 2009, tr. 24.
  16. ^ Gies 1981, tr. 1.
  17. ^ Pernoud & Clin 1986, tr. 221.
  18. ^ Lowell 1896, tr. 19–20; Pernoud & Clin 1986, tr. 221.
  19. ^ Aberth 2000, tr. 50.
  20. ^ Aberth 2000, tr. 61; Perroy 1959, tr. 69.
  21. ^ Aberth 2000, tr. 85–86.
  22. ^ Seward 1982, tr. 143–144.
  23. ^ a b Barker 2009, tr. 5.
  24. ^ Seward 1982, tr. 144.
  25. ^ Pernoud & Clin 1986, tr. 168; Vale 1974, tr. 21.
  26. ^ Vale 1974, tr. 22, 25.
  27. ^ DeVries 1999, tr. 19–22; Tuchman 1982, tr. 583–585.
  28. ^ Barker 2009, tr. 29; Sizer 2007.
  29. ^ Barker 2009, tr. 26–27; Burne 1956, tr. 142.
  30. ^ Barker 2009, tr. 29.
  31. ^ Pernoud & Clin 1986, tr. 240–241.
  32. ^ DeVries 1999, tr. 31; Maddox 2012, tr. 442.
  33. ^ Gies 1981, tr. 21.
  34. ^ Lowell 1896, tr. 15.
  35. ^ Castor 2015, tr. 89; Lowell 1896, tr. 15–16; Sackville-West 1936, tr. 24–25.
  36. ^ Pernoud & Clin 1986, tr. 171.
  37. ^ Gies 1981, tr. 20; Lowell 1896, tr. 21–22.
  38. ^ Gies 1981, tr. 20; Pernoud & Clin 1986, tr. 266.
  39. ^ Lowell 1896, tr. 28–29.
  40. ^ Harrison 2014, tr. 34–35; Sackville-West 1936, tr. 53–54; Taylor 2009, tr. 26–27.
  41. ^ Barstow 1986, tr. 22; Pernoud & Clin 1986, tr. 113.
  42. ^ Pernoud & Clin 1986, tr. 113; Sackville-West 1936, tr. 58; Sullivan 1996, tr. 88.
  43. ^ Barstow 1986, tr. 26; Lucie-Smith 1976, tr. 18; Warner 1981, tr. 132.
  44. ^ Barstow 1986, tr. 26; Lucie-Smith 1976, tr. 18.
  45. ^ Pernoud & Clin 1986, tr. 113; Sullivan 1996, tr. 88–89.
  46. ^ Barstow 1986, tr. 26; Dworkin 1987, tr. 115–117; Sullivan 1996, tr. 102–104.
  47. ^ Gies 1981, tr. 24; Dworkin 1987, tr. 107.
  48. ^ Warner 1981, tr. 25–26.
  49. ^ Gies 1981, tr. 33; Pernoud & Clin 1986, tr. 119; Lowell 1896, tr. 24; Warner 1981, tr. 14.
  50. ^ Barstow 1986, tr. 64; Taylor 2009, tr. 34; Warner 1981, tr. 25–26.
  51. ^ Fraioli 2000, tr. 60; Harrison 2014, tr. 7; Taylor 2006, tr. 19; Warner 1981, tr. 26.
  52. ^ DeVries 1999, tr. [1]; Harrison 2014, tr. 9; Pernoud 1962, tr. 44.
  53. ^ Gies 1981, tr. 31; Harrison 2014, tr. 6; Pernoud 1962, tr. 44.
  54. ^ Adams 2010, tr. 47–49; Fraioli 2000, tr. 58.
  55. ^ Pernoud & Clin 1986, tr. 17.
  56. ^ DeVries 1999, tr. 40–41; Harrison 2014, tr. 56–57.
  57. ^ Lowell 1896, tr. 33–34; Pernoud & Clin 1986, tr. 16–17.
  58. ^ Barker 2009, tr. 103; Richey 2003, tr. 26.
  59. ^ Gies 1981, tr. 34; Pernoud & Clin 1986, tr. 18.
  60. ^ Harrison 2014, tr. 56,68; Lowell 1896, tr. 42–43; Sackville-West 1936, tr. 88–90.
  61. ^ Gies 1981; Pernoud & Clin 1986, tr. 18–19.
  62. ^ DeVries 1999, tr. 27–28.
  63. ^ Barker 2009, tr. 67; Vale 1974, tr. 56.
  64. ^ Barker 2009, tr. 97–98; DeVries 1999, tr. 29.
  65. ^ DeVries 1999, tr. 29; Pernoud & Clin 1986, tr. 10.
  66. ^ Gies 1981, tr. 30; Goldstone 2012, tr. 99–100; Sackville-West 1936, tr. 70.
  67. ^ Lowell 1896, tr. 47; Sackville-West 1936, tr. 96–97.
  68. ^ Castor 2015, tr. 89; Lucie-Smith 1976, tr. 36; Pernoud & Clin 1986, tr. 20.
  69. ^ Gies 1981, tr. 36; Lowell 1896, tr. 48.
  70. ^ Gies 1981, tr. 35; Lucie-Smith 1976, tr. 32–33; Warner 1981, tr. 143–144.
  71. ^ Lowell 1896, tr. 47; Lucie-Smith 1976, tr. 33; Pernoud & Clin 1986, tr. 19–20.
  72. ^ Crane 1996, tr. 298.
  73. ^ Jacques d'Arc (1380–1440) là nông dân xứ Domremy và cũng là người thu thuế và chỉ huy dân quân của làng. Ông cưới bà Isabelle de Vouthon (1387–1468), còn gọi là Romée, năm 1405. Các người con khác của họ gồm có Jacquemin, Jean, Pierre và Catherine. Vua Pháp Charles VII phong tước cho gia đình Jacques và Isabelle ngày 29 tháng 12 năm 1429; Sở Bạ ghi nhận gia đình được phong quý tộc ngày 20 tháng 1 năm 1430. Gia đình được phép thay họ bằng tước quý tộc du Lys.
  74. ^ Condemnation trial, trang 37.[2] Lưu trữ 2014-11-14 tại Wayback Machine (Truy cập 23 tháng 3 năm 2006)
  75. ^ Pernoud and Clin, trang 221.
  76. ^ Condemnation trial, trang 58–59.[3] Lưu trữ 2014-11-14 tại Wayback Machine (Truy cập 23 tháng 3 năm 2006)
  77. ^ DeVries, trang 37–40.
  78. ^ a b Nullification trial testimony of Jean de Metz.[4] (Truy cập 12 tháng 2 năm 2006)
  79. ^ Oliphant, chương 2.[5] (Truy cập 12 tháng 2 năm 2006)
  80. ^ a b Richey, trang 4.
  81. ^ Richey, "Joan of Arc: A Military Appreciation".[6] (Truy cập 12 tháng 2 năm 2006)
  82. ^ Lịch sử và các tác phẩm hư cấu thường gọi ông là bá tước Dunois, là danh vị ông được ban sau khi Joan chết. Khi cô còn sống, người ta gọi ông là Gã con hoang xứ Orléans, được coi như một tên gọi danh dự, vì nó có nghĩa là ông là anh em thúc bá với vua Charles VII, tên "Jean d'Orleans" không chính xác bằng, xem Pernoud and Clin, trang 180–181.
  83. ^ Perroy, trang 283.
  84. ^ Pernoud and Clin, trang 230.
  85. ^ DeVries, pp. 74–83
  86. ^ Những người Công giáo một đạo coi đây là bằng chứng thiên mệnh của cô. Thành công trong việc phá vây cho Orleons khiến cô giành được sự ủng hộ từ nhiều tăng lữ có thế lực như Tổng Giám mục Embrun và nhà thần học Jean Gerson, là những người viết những bản luận thuyết thần học ngay sau khi sự kiện này diễn ra.
  87. ^ DeVries, trang 96–97.
  88. ^ Phiên tòa phục hồi danh dự, Công tước xứ Alençon.[7] (Truy cập 12 tháng 2 năm 2006)
  89. ^ DeVries, trang 114–115.
  90. ^ DeVries, trang 122–126.
  91. ^ Lucie-Smith, trang 156–160.
  92. ^ DeVries, trang 134.
  93. ^ Các cáo buộc kể từ mưu toan vặt vãnh cho đến thóa mạ thậm tệ. Xem Gower, chương 4.[8] (Truy cập 12 tháng 2 năm 2006) hoặc Pernoud and Clin, trang 78–80; DeVries, trang 135; và Oliphant, chương 6. [9] (Truy cập 12 tháng 2 năm 2006)
  94. ^ DeVries, trang 161–170.
  95. ^ “Britannica Library”. Bản gốc lưu trữ ngày 16 tháng 9 năm 2020. Truy cập 4 tháng 10 năm 2015.
  96. ^ Pernoud, trang 220, trích dẫn lời chứng của các thầy tu Martin Ladvenu và Isambart de la Pierre.
  97. ^ Phiên tòa phục hồi danh dự, lời chứng của Jean Massieu.[10] (Truy cập 12 tháng 2 năm 2006)
  98. ^ Tháng 2 năm 2006, một toán giám định pháp y tiến hành cuộc thẩm tra kéo dài sáu tháng để khám nghiệm xương và da di hài tại viện bảo tàng Chinon, theo lời đồn là từ di hài cô. Cuộc khám nghiệm không xác định được kết quả chính xác, nhưng cũng qua đó phòng ngừa giả mạo thông gia giám định các-bon và kiểm tra giới tính.[11] (Truy cập 1 tháng 3 năm 2006) Một báo cáo tạm thời cho biết những di vật này có lẽ không thuộc về cô.[12] (Truy cập 17 tháng 12 năm 2006)
  99. ^ Pernoud, trang 233.
  100. ^ Histoire de Jeanne d`Arc by P.A Le Brun de Charmettes-Tome1 Tome2 Tome3 Tome4
  101. ^ DeVries, trang 179–180.
  102. ^ Pernoud and Clin, trang 247–264.
  103. ^ DeVries trong "Fresh Verdicts on Joan of Arc," biên soạn Bonnie Wheeler, trang 3.
  104. ^ a b Richey,[13] (Truy cập 12 12 tháng 2 năm 2006)

Nguồn

Sách
  • Aberth, John (2000). From the Brink of the Apocalypse. Routledge. ISBN 9780415927154. OCLC 1054385441.
  • Adams, Tracy (2010). The Life and Afterlife of Isabeau of Bavaria. Johns Hopkins University Press. ISBN 9780801899263. OCLC 1026404304.
  • Allmand, Christopher (1988). The Hundred Years War: England and France at War c. 1300–c. 1450. Cambridge University Press. ISBN 9781139167789. OCLC 1285662551.
  • Barker, Juliet (2009). Conquest: The English Kingdom of France, 1417–1450. Little, Brown. ISBN 9781408702468. OCLC 903613803.
  • Barstow, Anne Llewellyn (1986). Joan of Arc: Heretic, Mystic, Shaman. E. Mellen. ISBN 9780889465329. OCLC 1244846182.
  • Boal, Barbara (2005). “The Cao Dai and the Hoa Hao”. Trong Partridge, Christopher (biên tập). Introduction to World Religions. Fortress. tr. 208–209. ISBN 0800637143. OCLC 58802408.
  • Burne, Alfred Higgins (1999) [1956]. The Agincourt War: A Military History of the Latter Part of the Hundred Years War from 1369 to 1453. Wordsworth Editions. ISBN 1840222115. OCLC 1285475585.
  • Castor, Helen (2015). Joan of Arc: A History. Harper. ISBN 9780062384393. OCLC 1256258941.
  • Champion, Pierre (1932) [1920]. “Essay on the Trial of Jeanne d'Arc, Dramatis Personae, Biographical Sketches of the Trial Judges and Other Persons Involved in the Maid's Career, Trial and Death”. The Trial of Jeanne D'Arc. Taylor, Coley; Kerr, Ruth H. biên dịch. Gotham House. OCLC 1314152. Lưu trữ bản gốc ngày 14 tháng 11 năm 2014. Truy cập ngày 25 tháng 11 năm 2021.
  • Chenu, Bruno (1990). Book of Christian Martyrs. Crossroad. ISBN 9780824510114. OCLC 645341461.
  • Cohen, Paul A. (2014). History and Popular Memory. Columbia University Press. ISBN 9780231537292. OCLC 964546561.
  • Conner, Susan Punzel (2004). The Age of Napoleon. Greenwood. ISBN 9780313320149. OCLC 56575944.
  • Crane, Susan (2002). The Performance of Self: Ritual, Clothing, and Identity during the Hundred Years War. University of Pennsylvania Press. ISBN 0812236580. OCLC 843080228.
  • Curry, Anne; Hoskins, Peter; Richardson, Thom; Spencer, Dan (2015). The Agincourt Companion: A Guide to the Legendary Battle and Warfare in the Medieval World. Andre Deutch. ISBN 9780233004716. OCLC 921184232.
  • DeVries, Kelly (1996). “A Woman as Leader of Men: Joan of Arc's Military Career” [Người đàn bà lãnh đạo đàn ông: Binh nghiệp của Jeanne d'Arc]. Trong Wheeler, Bonnie; Wood, Charles T. (biên tập). Fresh Verdicts on Joan of Arc [Phán quyết mới về Jeanne d'Arc]. Garland. tr. 3–18. ISBN 0815336640. OCLC 847627589.
  • DeVries, Kelly (1999). Joan of Arc: A Military Leader [Jeanne d'Arc: Thủ lĩnh quân sự]. Sutton Publishing. ISBN 9780750918053. OCLC 42957383.
  • Dunn, Susan (2021). The Deaths of Louis XVI: Regicide and the French Political Imagination [Cái chết của Louis XVI: Tội giết vua và tưởng tượng chính trị Pháp]. Princeton University Press. ISBN 9780691224916. OCLC 1235966126.
  • Dworkin, Andrea (2007) [1987]. Intercourse. Basic Books. ISBN 9780465017522. OCLC 1153284259.
  • Fraioli, Deborah (2000). Joan of Arc: The Early Debate [Jeanne d'Arc: Cuộc tranh biện thuở sớm]. Boydell Press. ISBN 9780851158808. OCLC 48680250.
  • France, Anatole (1909). Jeanne d'Arc, Maid of Orleans, deliverer of France: Being the Story of her Life, her Achievements, and her Death, as Attested on Oath and Set Forth in the Original Documents [Jeanne d'Arc, Trinh nữ Orleans, người giải phóng Pháp: Nhập vai vào cuộc đời nàng, công tích của nàng, và cái chết của nàng, như được chứng thực theo lời thề và được kể theo các tài liệu gốc]. Heinemann. OCLC 862867781. Lưu trữ bản gốc ngày 14 tháng 6 năm 2020. Truy cập ngày 28 tháng 8 năm 2020 – qua Project Gutenberg.
  • Fuller, John Frederick Charles (1954). A Military History of the Western World: From the Earliest Times to the Battle of Lepanto [Một lịch sử quân sự của thế giới phương Tây: Từ thời sơ khởi tới Trận Lepanto]. I. Funk & Wagnalls. OCLC 1150796947.
  • Gaehtgens, Thomas (2018). Reims on Fire: War and Reconciliation Between France and Germany [Reims rực cháy: Chiến tranh và hòa giải giữa Pháp và Đức]. Getty Research Institute. ISBN 9781606065709. OCLC 1028601667.
  • Garber, Marjorie B. (1993). Vested Interests: Cross-dressing and Cultural Anxiety [Quyền lợi hưởng theo thâm niên: Hoán trang phục nam nữ và lo âu văn hóa]. Harper Collins. ISBN 0060975245. OCLC 1151664883.
  • Gies, Frances (1981). Joan of Arc: The Legend and the Reality [Jeanne d'Arc: Huyền thoại và Thực tế]. Harper & Row. ISBN 0690019424. OCLC 1204328346.
  • Gildea, Robert (1996). The Past in French History. Yale University Press. ISBN 9780300067118. OCLC 638739483.
  • Goldstone, Nancy Bazelon (2012). The Maid and the Queen: The Secret History of Joan of Arc. Viking. ISBN 9780670023332. OCLC 1150263570.
  • Guillemin, Henri (1973) [1970]. Joan, Maid of Orleans. Saturday Review Press. ISBN 9780841502277. OCLC 636407.
  • Hamblin, Vicki L. (2016) [2003]. “En L'honneur de la Pucelle: Ritualizing Joan the Maid in Fifteenth-Century Orléans”. Trong Astell, Ann W.; Wheeler, Bonnie (biên tập). Joan of Arc and Spirituality. Palgrave. tr. 209–226. ISBN 9781137069542. OCLC 1083468869.
  • Harrison, Brian (2002). “Aborted Infants as Martyrs: Are There Wider Implications?”. Trong Nichols, Aidan (biên tập). Abortion and Martyrdom: The Papers of the Solesmes Consultation and an Appeal to the Catholic Church. Gracewing. ISBN 9780852445433. OCLC 49989918.
  • Harrison, Kathryn (2014). Joan of Arc: A Life Transfigured. Doubleday. ISBN 9780385531207. OCLC 1194440229.
  • Henderson, David Kennedy (1939). Psychopathic States. W. W. Norton. OCLC 912042868.
  • Hobbins, Daniel (2005). “Introduction”. Trong Hobbins, Daniel (biên tập). The Trial of Joan of Arc. Harvard University Press. tr. 1–32. ISBN 9780674038684. OCLC 1036902468.
  • Hotchkiss, Valerie R. (2000). Clothes Make the Man: Female Cross Dressing in Medieval Europe. Garland. ISBN 9780815337713. OCLC 980891132.
  • Huizinga, Johan (1959). Men and Ideas: History, the Middle Ages, the Renaissance; Essays. Meridian. OCLC 1036539966.
  • Kelly, Henry Ansgar (1996). “Joan of Arc's Last Trial: The Attack of the Devil's Advocates”. Trong Wheeler, Bonnie; Wood, Charles T. (biên tập). Fresh Verdicts on Joan of Arc. Garland. tr. 205–236. ISBN 0815336640. OCLC 847627589.
  • Lang, Andrew (1909). The Maid of France: Being the Story of the Life and Death of Jeanne d'Arc. Longmans, Green. OCLC 697990421.
  • Lightbody, Charles Wayland (1961). The Judgements of Joan: Joan of Arc, A Study in Cultural History. Harvard University Press. OCLC 1150088435.
  • Lowell, Francis Cabot (1896). Joan of Arc. Houghton Mifflin Co. OCLC 457671288.
  • Lucie-Smith, Edward (1976). Joan of Arc. Allen Lane. ISBN 0713908572. OCLC 1280740196.
  • Mackinnon, James (1902). The Growth and Decline of the French Monarchy. Longmans. OCLC 1017332942.
  • Maddox, Margaret Joan (2012). “Joan of Arc”. Trong Matheson, Lister M. (biên tập). Icons of the Middle Ages: Rulers, Rebels, and Saints. 2. Greenwood. tr. 417–450. ISBN 9780313340802. OCLC 728656735.
  • Mackowiak, Philip A. (2007). Post Mortem: Solving History's Great Medical Mysteries. American College of Physicians. ISBN 9781930513891. OCLC 1285753937.
  • Margolis, Nadia (1996). “The "Joan Phenomenon" and the Right”. Trong Wheeler, Bonnie; Wood, Charles T. (biên tập). Fresh Verdicts on Joan of Arc. Garland. tr. 265–287. ISBN 0815336640. OCLC 847627589.
  • McInerney, Maud Burnett (2003). Eloquent Virgins: The Rhetoric of Virginity from Thecla to Joan of Arc. Palgrave Macmillan. ISBN 9781137064516. OCLC 1083464793.
  • Megivern, James (1997). The Death Penalty: An Historical and Theological Survey. Paulist Press. ISBN 9780809104871. OCLC 1244600248.
  • Meltzer, Francoise (2001). For Fear of the Fire: Joan of Arc and the Limits of Subjectivity. University of Chicago Press. ISBN 9780226519821. OCLC 46240234.
  • Mock, Steven (2011). Symbols of Defeat in the Construction of National Identity. Cambridge University Press. ISBN 9781107013360. OCLC 1097164619.
  • Michelet, Jules (1900) [1855]. Joan of Arc, the Maid of Orleans. From Mitchelet's History of France. Ketcham, Henry biên dịch. A. L. Burt. OCLC 1047498185.
  • Murray, T. Douglas (1902). “Introductory Note to the Rehabilitation”. Trong Murray, T. Douglas (biên tập). Jeanne D'Arc, Maid of Orleans, Deliverer of France, Being the Story of Her Life, Her Achievements, and Her Death, As Attested on Oath and Set Forth in the Original Documents. William Heinemann. tr. 371–376. OCLC 903887215. Bản gốc lưu trữ ngày 29 tháng 6 năm 2018 – qua Project Gutenberg.
  • Napier, Gordon (2017). Maleficium: Witchcraft and Witch Hunting in the West [Hắc thuật: thuật phù thủy và săn phù thủy ở phương Tây]. Amberly. ISBN 9781445665115. OCLC 1000454943.
  • Pernoud, Régine (2007) [1955]. The Retrial of Joan of Arc; The Evidence at the Trial For Her Rehabilitation 1450–1456. Cohen biên dịch. Harcourt, Brace and Company. ISBN 9781586171780. OCLC 1338471.
  • Pernoud, Régine (1966) [1962]. Joan of Arc By Herself and Her Witnesses. Hyams, Edward biên dịch. Stein and Day. OCLC 1035912459.
  • Pernoud, Régine; Clin, Marie-Véronique (1999) [1986]. Wheeler, Bonnie (biên tập). Joan of Arc: Her Story. duQuesnay Adams, Jeremy biên dịch. St. Martin's Press. ISBN 9780312214425. OCLC 1035889959.
  • Perroy, Edouard (1959). The Hundred Years War. Eyre & Spottiswoode. ISBN 9780413213709. OCLC 1149428397.
  • Peters, Edward (1989). Inquisition. University of California Press. ISBN 9780520066304. OCLC 970384852.
  • Rankin, Daniel; Quintal, Claire (1964). “Authors' Comments”. Trong Rankin, Daniel; Quintal, Claire (biên tập). The First Biography of Joan of Arc with the Chronicle Record of a Contemporary Account. University of Pittsburgh Press. OCLC 1153286979.
  • Richey, Stephen W. (2003). Joan of Arc: The Warrior Saint. Praeger. ISBN 9780275981037. OCLC 52030963.
  • Russell, Jeffrey Burton (1972). Witchcraft in the Middle Ages. Cornell University Press. ISBN 9780801406973. OCLC 1151774229.
  • Sackville-West, Victoria (1936). Saint Joan of Arc. Cobden-Sanderson. OCLC 1151167808.
  • Schibanoff, Susan (1996). “True Lies: Transvestism and Idolatry in the Trial of Joan of Arc”. Trong Wheeler, Bonnie; Wood, Charles T. (biên tập). Fresh Verdicts on Joan of Arc. Garland. tr. 31–60. ISBN 0815336640. OCLC 847627589.
  • Seward, Desmond (1982). The Hundred Years War: The English in France. Atheneum. ISBN 9780689706288. OCLC 1280811695.
  • Sullivan, Karen (1996). 'I Do Not Name to You the Voice of St. Michael': The Identification of Joan of Arc's Voices”. Trong Wheeler, Bonnie; Wood, Charles T. (biên tập). Fresh Verdicts on Joan of Arc. Garland. tr. 85–112. ISBN 0815336640. OCLC 847627589.
  • Sullivan, Karen (1999). The Interrogation of Joan of Arc. University of Minnesota Press. ISBN 9780816689866. OCLC 236342924.
  • Taylor, Craig biên tập (2006). Joan of Arc: La Pucelle (Selected Sources Translated and Annotated). Manchester University Press. ISBN 9780719068478. OCLC 1150142464.
  • Taylor, Larissa (2009). The Virgin Warrior: The Life and Death of Joan of Arc (eBook). Yale University Press. ISBN 9780300161298. OCLC 794005335.
  • Tuchman, Barbara (1982). A Distant Mirror: The Calamitous 14th Century. Knopf. ISBN 9780394400266. OCLC 1033665932.
  • Vale, M. G. A. (1974). Charles VII. Eyre Methuen. ISBN 0413280802. OCLC 1280787240.
  • Verger, Jacques (1972). “The University of Paris at the End of the Hundred Years' War”. Trong Baldwin, John W.; Goldthwaite, Richard A. (biên tập). Universities in Politics: Case Studies from the Late Middle Ages and Early Modern Period. Johns Hopkins Press. tr. 47–78. ISBN 0801813727. OCLC 1151833089.
  • Warner, Marina (1981). Joan of Arc: The Image of Female Heroism. Knopf. ISBN 9780394411453. OCLC 1150060458.
  • Weiskopf, Steven (1996). “Readers of the Lost Arc: Secrecy, Specularity, and Speculation in the Trial of Joan of Arc”. Trong Wheeler, Bonnie; Wood, Charles T. (biên tập). Fresh Verdicts on Joan of Arc. Garland. tr. 113–132. ISBN 0815336640. OCLC 847627589.
  • Wood, Charles (1988). Joan of Arc and Richard III: Sex, Saints, and Government in the Middle Ages. Oxford University Press. ISBN 9780198021094. OCLC 519442443.
Bài đăng tạp chí và luận văn
  • Allen, Clifford (1975). “The schizophrenia of Joan of Arc” [Chứng tâm thần phân liệt của Jeanne d'Arc] (PDF). History of Medicine (London). 6 (3–4): 4–9. PMID 11630627. Bản gốc (PDF) lưu trữ ngày 28 tháng 12 năm 2013.
  • Barstow, Anne Llewellyn (1985). “Mystical experience as a feminist weapon: Joan of Arc” [Trải nghiệm thần bí như một vũ khí nữ quyền: Jeanne d'Arc]. Women's Studies Quarterly. 13 (2): 26–29. JSTOR 40003571. Lưu trữ bản gốc ngày 25 tháng 1 năm 2022. Truy cập ngày 25 tháng 1 năm 2022.
  • Boyd, Beverly (1986). “Wyclif, Joan of Arc, and Margery Kempe”. Mystics Quarterly. 12 (3): 112–118. JSTOR 20716744. Lưu trữ bản gốc ngày 9 tháng 12 năm 2021. Truy cập ngày 9 tháng 12 năm 2021.
  • Brown, Frederick (2012). “The battle for Joan” [Trận chiến vì Jeanne]. The Hudson Review. 65 (3): 439–452. JSTOR 43489248. Lưu trữ bản gốc ngày 17 tháng 12 năm 2021. Truy cập ngày 12 tháng 1 năm 2022.
  • Bullough, Vern L. (1974). “Transvestites in the Middle Ages” [Đảo trang nam nữ thời Trung Cổ]. American Journal of Sociology. 79 (6): 1381–1394. doi:10.1086/225706. JSTOR 2777140. PMID 12862078. S2CID 3466059. Lưu trữ bản gốc ngày 24 tháng 12 năm 2021. Truy cập ngày 28 tháng 12 năm 2021.
  • Contamine, Philippe (2007). “Remarques critiques sur les étendards de Jeanne d'Arc” [Các lưu chú quan trọng về kỳ hiệu của Jeanne d'Arc]. Francia (bằng tiếng Pháp). 34 (1): 187–200. doi:10.11588/fr.2007.1.45032. Lưu trữ bản gốc ngày 7 tháng 5 năm 2021. Truy cập ngày 7 tháng 5 năm 2021.
  • Crane, Susan (1996). “Clothing and gender definition: Joan of Arc” [Trang phục và định nghĩa giới tính: Jeanne d'Arc] (PDF). Journal of Medieval and Early Modern Studies. 26 (2): 298–320. Bản gốc (PDF) lưu trữ ngày 5 tháng 7 năm 2016.
  • Elliott, Dyan (2002). “Seeing double: John Gerson, the discernment of spirits and Joan of Arc” [Song thị: John Gerson, minh giải về linh hồn và Jeanne d'Arc]. The American Historical Review. 107 (1): 26–54. doi:10.1086/532095. JSTOR 10.1086/532095. Lưu trữ bản gốc ngày 22 tháng 12 năm 2021. Truy cập ngày 24 tháng 12 năm 2021.
  • Foote-Smith, Elizabeth; Bayne, Lydia (1991). “Joan of Arc”. Epilepsia. 32 (6): 810–815. doi:10.1111/j.1528-1157.1991.tb05537.x. PMID 1743152. S2CID 221736116.
  • Fraioli, Deborah (1981). “The literary image of Joan of Arc: Prior influences” [Hình tượng văn học của Jeanne d'Arc: Những ảnh hưởng ban trước]. Speculum. 56 (4): 811–930. doi:10.2307/2847364. JSTOR 2847364. S2CID 161962500. Lưu trữ bản gốc ngày 24 tháng 1 năm 2022. Truy cập ngày 25 tháng 1 năm 2022.
  • Frank, John P. (1997). “The trial of Joan of Arc” [Phiên tòa Jeanne d'Arc]. Litigation. 69 (5): 51–54. JSTOR 29759909. Lưu trữ bản gốc ngày 23 tháng 12 năm 2021. Truy cập ngày 24 tháng 12 năm 2021.
  • Gibbons, Rachel (1996). “Isabeau of Bavaria, Queen of France (1385–1422): The creation of a historical villainess”. Transactions of the Royal Historical Society. 6: 51–73. doi:10.2307/3679229. JSTOR 3679229. S2CID 162409969.
  • Hamblin, Vicki L. (1984). The Fifteenth-century French Mistere du Siege D'Orléans: An Annotated Edition (Portions in French Text) (PhD). University of Arizona. Lưu trữ bản gốc ngày 8 tháng 1 năm 2022. Truy cập ngày 9 tháng 1 năm 2022.
  • Hamblin, Vicki L. (1988). “The Mistère du siège d'Orléans as a representational drama”. The Rocky Mountain Review of Language and Literature. 42 (1/2): 61–68. doi:10.2307/1347436. JSTOR 1347436. S2CID 194274410. Lưu trữ bản gốc ngày 8 tháng 1 năm 2022. Truy cập ngày 9 tháng 1 năm 2022.
  • Henker, F. O. (1984). “Joan of Arc and DSM III”. Southern Medical Journal. 77 (12): 1488–1490. doi:10.1097/00007611-198412000-00003. PMID 6390693. S2CID 44528365.
  • Hughes, J. R. (2005). “Did all those famous people really have epilepsy?” [Có thật là mấy người nổi tiếng đó bị động kinh hay không?]. Epilepsy & Behavior. 6 (2): 115–139. doi:10.1016/j.yebeh.2004.11.011. PMID 15710295. S2CID 10436691.
  • Kelly, Henry Ansgar (1993). “The right to remain silent: Before and after Joan of Arc” [Quyền được giữ im lặng: Trước và sau Jeanne d'Arc]. Speculum. 68 (4): 992–1026. doi:10.2307/2865494. JSTOR 2865494. S2CID 162858647. Lưu trữ bản gốc ngày 24 tháng 12 năm 2021. Truy cập ngày 24 tháng 12 năm 2021.
  • Kelly, Henry Ansgar (2014). “Inquisitorial deviations and cover-ups: The prosecutions of Margaret Porete and Guiard of Cressonessart, 1308–1310” [Các lệch lạc và lấp liếm trong tòa án dị giáo: Vụ xử tội Margaret Porete và Guiard của Cressonessart, 1308–1310]. Speculum. 89 (4): 936–973. doi:10.1017/S003871341400164X. JSTOR 43577195. S2CID 170115473. Lưu trữ bản gốc ngày 27 tháng 12 năm 2021. Truy cập ngày 28 tháng 12 năm 2021.
  • Kennedy, Angus J.; Varty, Kenneth (1977). Introduction. Ditié de Jehanne D'Arc. Bởi de Pizan, Christine. Society for the Study of Mediæval Languages and Literature. ISBN 9780950595504. OCLC 1083468869. Lưu trữ bản gốc ngày 16 tháng 6 năm 2008.
  • Newhall, Richard A. (1934). “Payment to Pierre Cauchon for presiding at the trial of Jeanne d'Arc” [Thù lao để Pierre Cauchon chủ tọa phiên tòa Jeanne d'Arc]. Speculum. 9 (1): 88–91. doi:10.2307/2846456. JSTOR 2846456. S2CID 162439379. Lưu trữ bản gốc ngày 22 tháng 12 năm 2021. Truy cập ngày 24 tháng 12 năm 2021.
  • Nicastro, Nicholas; Fabienne, Picard (2016). “Joan of Arc: Sanctity, witchcraft or epilepsy” [Jeanne d'Arc: Thánh thiện, ma thuật hay động kinh]. Epilepsy & Behavior. 57 (Part B): 247–250. doi:10.1016/j.yebeh.2015.12.043. PMID 26852074. S2CID 3841213.
  • Noonan, John T. (1987). “Principled or pragmatic foundations for the freedom of conscious?”. Journal of Law and Religion. 5 (1): 203–212. doi:10.2307/1051025. JSTOR 1051025. S2CID 170525217. Lưu trữ bản gốc ngày 27 tháng 12 năm 2021. Truy cập ngày 28 tháng 12 năm 2021.
  • Noonan, John T. (1998). “The Death Penalty. An historical and Theological Survey by James T. Megivern”. Book Review. The Catholic Historical Review. 84 (4): 703–705. doi:10.1353/cat.1998.0239. JSTOR 25025339. S2CID 159923086. Lưu trữ bản gốc ngày 26 tháng 12 năm 2021. Truy cập ngày 28 tháng 12 năm 2021.
  • Nores, J. M.; Yakovleff, Y. (1995). “A historical case of disseminated chronic tuberculosis”. Neuropsychobiology. 32 (2): 79–80. doi:10.1159/000119218. PMID 7477805.
  • d'Orsi, Giuseppe; Tinuper, Paolo (2006). “"I heard voices ...": from semiology, an historical review, and a new hypothesis on the presumed epilepsy of Joan of Arc”. Epilepsy & Behavior. 9 (1): 152–157. doi:10.1016/j.yebeh.2006.04.020. PMID 16750938. S2CID 24961015.
  • Ratnasuriya, R. H. (1986). “Joan of Arc, creative psychopath: Is there another explanation?”. Journal of the Royal Society of Medicine. 79 (Part B): 247–250. doi:10.1177/014107688607900413. PMC 1290282. PMID 3517329.
  • Schildkrout, Barbara (2017). “Joan of Arc – Hearing voices”. American Journal of Psychiatry. 174 (12): 1153–1154. doi:10.1176/appi.ajp.2017.17080948. PMID 29191033.
  • Sexsmith, Dennis (1990). “The Radicalization of Joan of Arc: Before and after the French Revoluion”. RACAR: Revue d'art canadienne / Canadian Art Review. 17 (2): 125–130. doi:10.7202/1073071ar. JSTOR 42630458. Lưu trữ bản gốc ngày 24 tháng 1 năm 2022. Truy cập ngày 25 tháng 1 năm 2022.
  • Sherman, Larry R.; Zimmerman, Michael R. (2008). “Ergotism and its effects on society and religion”. Journal of Nutritional Immunology. 2 (3): 127–136. doi:10.1300/J053v02n03_08.
  • Sizer, Michael (2007). “The calamity of violence: Reading the Paris massacres of 1418”. Journal of the Western Society for French History. 35: 19–39. OCLC 990058151. Bản gốc lưu trữ ngày 24 tháng 2 năm 2014.
  • Sproles, Karyn Z. (1996). “Cross-dressing for (imaginary) battle: Vita Sackville-West's biography of Joan of Arc”. Biography. 19 (2): 158–177. doi:10.1353/bio.2010.0242. JSTOR 23539706. S2CID 161108684. Lưu trữ bản gốc ngày 24 tháng 1 năm 2022. Truy cập ngày 25 tháng 1 năm 2022.
  • Sullivan, Winnifred Fallers (2011). “Joan's two bodies: A study in political anthropology”. Social Research. 78 (2): 307–324. doi:10.1353/sor.2011.0038. JSTOR 23347178. S2CID 140471170. Lưu trữ bản gốc ngày 17 tháng 12 năm 2021. Truy cập ngày 24 tháng 12 năm 2021.
  • Taylor, Larissa Juliet (2012). “Joan of Arc, the church, and the papacy”. The Catholic Historical Review. 98 (2): 217–240. doi:10.1353/cat.2012.0129. JSTOR 23240136. S2CID 154958228. Lưu trữ bản gốc ngày 12 tháng 1 năm 2022. Truy cập ngày 12 tháng 1 năm 2022.
  • de Toffol, Bertrand (2016). “Comment on "Joan of Arc: Sanctity, witchcraft, or epilepsy?"”. Epilepsy & Behavior. 61: 80–81. doi:10.1016/j.yebeh.2016.04.052. PMID 27337158. S2CID 137295144.
Nguồn trực tuyến
  • “The Calendar”. The Church of England (bằng tiếng Anh). 2021. Lưu trữ bản gốc ngày 9 tháng 3 năm 2021.
  • “Bienvenue sur la site de Domremy-la-pucelle [Chào mừng tới trang web Domremy-La-Pucelle]”. Domremy la Pucelle: village Natal de Jaenne d'Arc [Domremy La Pucelle: Ngôi làng nơi Joan of Arc chào đời] (bằng tiếng Pháp). 2021. Bản gốc lưu trữ ngày 16 tháng 4 năm 2021.
  • Ghezzi, Burt (2021) [1996]. “Saint Joan of Arc, 1412–1431”. Loyola Press. Bản gốc lưu trữ ngày 14 tháng 1 năm 2022.
  • “Joan of Arc Celebrations”. Metropolis of Orléans. 2021. Lưu trữ bản gốc ngày 16 tháng 5 năm 2021.
  • Linder, Douglas O. (2017). “Joan of Arc's Abjuration (May 24, 1431)”. Famous Trials. Bản gốc lưu trữ ngày 2 tháng 7 năm 2017.
  • “Groupe scuplté (grandeur nature): la réhabiitation de Jeanne d'Arc” [Điêu khắc nhóm (Kích thước đời thật): Phục hồi danh dự cho Jeanne d'Arc]. L'inventaire général du patrimoine culture, Conseil régional Hauts-de-France [Bản kê tổng về Di sản Văn hóa, Hội đồng Địa phương Hauts-de-France]. Bản gốc lưu trữ ngày 13 tháng 8 năm 2022.
Nguồn sơ cấp
  • Benedict XV (2021) [1920]. “Divina Disponente”. The Holy See. Bản gốc lưu trữ ngày 25 tháng 2 năm 2021.
  • Bréhal, Jean (1893) [1456]. “Livre Quatrième: Texte de la Recollectio” [Book Four: Text of the Recollectio]. Jean Bréhal, Grand Inquisiteur de France, et la Réhabilitation of Jeanne D'Arc [Jean Bréhal, Đại Quan tòa dị giáo Pháp, và sự Phục hồi danh dự Jeanne d'Arc]. Bởi Belon, Marie-Joseph; Balme, François (bằng tiếng Pháp và La-tinh). P. Lethielleux. OCLC 1143025136.
  • Pius XI (1922). “Galliam, Ecclesiae filiam” [Pháp, Con gái của Giáo hội]. Acta Apostolicae Sedia (bằng tiếng latin). 14 (7): 185–187.Quản lý CS1: ngôn ngữ không rõ (liên kết)
  • de Pizan, Christine (1977) [1493]. “Christine de Pisan: Ditié de Jehanne D'Arc”. Jeanne dárc la pucelle. Kennedy, Angus J.; Varty, Kenneth biên dịch. Society for the Study of Mediæval Languages and Literature. Lưu trữ bản gốc ngày 1 tháng 11 năm 2020.
  • Rankin, Daniel; Quintal, Claire biên tập (tháng 5 năm 2024). The First Biography of Joan of Arc with the Chronicle Record of a Contemporary Account (PDF). OCLC 1153286979. Bản gốc (PDF) lưu trữ ngày 9 tháng 7 năm 2011.
Bản chép phiên xử gốc và phiên tái xử khôi phục danh dự của Jeanne d'Arc
  • The Trial of Jeanne d'Arc. Barrett, Wilfred Philips biên dịch. Gotham House. 1932. OCLC 1314152. Bản gốc lưu trữ ngày 18 tháng 8 năm 2016. (Bản dịch tiếng Anh của phiên tòa xử Jeanne.)
  • Quicherat, Jules (1841a). Procès de condamnation et de réhabilitation de Jeanne d'Arc, dite La Pucelle [Phiên tòa về sự Định tội và Phục hồi danh dự của Jeanne d'Arc, còn được biết dưới danh nghĩa Trinh nữ] (bằng tiếng La-tinh và Pháp). I. Renouard. OCLC 310772260. (Nguyên văn tiếng Latinh phiên tòa xử Jeanne.)
  • Quicherat, Jules (1841b). Procès de condamnation et de réhabilitation de Jeanne d'Arc, dite La Pucelle [Phiên tòa về sự Định tội và Phục hồi danh dự của Jeanne d'Arc, còn được biết dưới danh nghĩa Trinh nữ] (bằng tiếng La-tinh và Pháp). II. Renouard. OCLC 310772267. (Nguyên văn tiếng Latinh phiên tòa khôi phục danh dự, phần I.)
  • Quicherat, Jules (1845). Procès de condamnation et de réhabilitation de Jeanne d'Arc, dite La Pucelle [Phiên tòa về sự Định tội và Phục hồi danh dự của Jeanne d'Arc, còn được biết dưới danh nghĩa Trinh nữ] (bằng tiếng La-tinh và Pháp). III. Renouard. OCLC 162464167. (Nguyên văn tiếng Latinh phiên tòa khôi phục danh dự, phần II.)

Liên kết ngoài

  • "The Siege of Orleans", thảo luận trên đài BBC Radio 4 với Anne Curry, Malcolm Vale & Matthew Bennett (In Our Time, 24 tháng 5 năm 2007)
Tiêu đề chuẩn Sửa dữ liệu tại Wikidata
  • BIBSYS: 90117305
  • BNC: 000036290
  • BNE: XX983805
  • BNF: cb11945486j (data)
  • CANTIC: a10106820
  • CiNii: DA06777258
  • GND: 118557238
  • ISNI: 0000 0001 2144 6253
  • LCCN: n79033041
  • LNB: 000056328
  • MBA: 511c0e77-5d1c-4c47-a7e7-7dd9e43afe22
  • NDL: 00620883
  • NKC: jn20000720114
  • NLA: 35244296
  • NLG: 238788
  • NLI: 000558978
  • NLK: KAC201622355
  • NLP: a0000001182572
  • NSK: 000473356
  • NTA: 06900563X
  • PLWABN: 9810594091805606
  • RERO: 02-A009991343
  • SELIBR: 191568
  • SNAC: w6pc36t6
  • SUDOC: 02874005X
  • Trove: 879753
  • ULAN: 500343198
  • VcBA: 495/7272
  • VIAF: 97108273
  • WorldCat Identities (via VIAF): 97108273
Cổng thông tin
Truy cập cổng thông tin liên quan
  • Cổng thông tin Thánh
  • Cổng thông tin Tiểu sử
  • Cổng thông tin Công giáo
  • Cổng thông tin Pháp

Tìm hiểu thêm tại các
Dự án liên quan Wikipedia
  • Tư liệu đa phương tiện
    trên Commons
  • Định nghĩa
    trên Wiktionary
  • Trích dẫn
    trên Wikiquote
  • Văn bản gốc
    trên Wikisource
  • Dữ liệu
    trên Wikidata